Thực phẩm bổ sung: Hại nhiều hơn lợi?

  •  
  • 2.060

Trên thị trường hiện nay có bán nhiều vitamin và thực phẩm bổ sung, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy những viên thuốc và thực phẩm dạng bột này có lợi cho sức khỏe đối với người uống nói chung. Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra thực phẩm bổ sung còn có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.

Một nghiên cứu mới đây cung cấp nhiều bằng chứng hơn về việc bổ sung vitamin không hề tốt như ta tưởng - và thậm chí có thể gây ra rủi ro cho những người khỏe mạnh. Theo nghiên cứu được công bố trên tờ Annals of Internal Medicine, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng không giúp mọi người sống thọ hơn hoặc cung cấp bất kỳ lợi ích sức khỏe đáng kể nào khác.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét một loạt các chất bổ sung, bao gồm vitamin A, vitamin K và kẽm, và cho biết các chất này không mang lại lợi ích nhưng cũng không đem lại rủi ro cho sức khỏe.

Vitamin D lại là một trường hợp hoàn toàn khác. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều đối tượng nghiên cứu đã sử dụng 10 microgam vitamin D bổ sung hàng ngày nhưng không có thiếu vitamin D trước đó. Điều này sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và tử vong.

Lượng canxi dư thừa từ các thực phẩm bổ sung làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Lượng canxi dư thừa từ các thực phẩm bổ sung làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Bác sĩ y khoa và đồng tác giả nghiên cứu Fang Fang Zhang cho hay: "Tác hại tiềm ẩn của việc sử dụng vitamin D bổ sung ở những cá thể không bị thiếu vitamin D cần phải được đánh giá thêm".

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, lượng canxi dư thừa từ các thực phẩm bổ sung làm tăng nguy cơ mắc ung thư, nhưng lượng hấp thụ canxi quá mức từ thực phẩm thông thường lại không làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh quái ác này. Mặc dù không thể lý giải tại sao lượng canxi dư thừa lại tạo ra nguy cơ gây ung thư cao, các chuyên gia tin rằng hiện tượng này có thể liên quan đến việc tăng sản xuất lượng hormone từ canxi.

Khi mới bắt đầu quan sát đối tượng nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả các chất bổ sung mà họ đã xem xét, bao gồm thực phẩm cung cấp đa vitamin và các chất bổ sung dinh dưỡng đơn lẻ, làm giảm nguy cơ tử vong xét về mặt tổng thể. Nhưng sau khi xét cả các yếu tố bao gồm trình độ học vấn và lối sống (ví dụ như hút thuốc, hoạt động thể chất và uống bia rượu), các nhà nghiên cứu nhận ra lợi ích của chất bổ sung sẽ biến mất. Các chuyên gia cũng phát hiện ra nếu một người càng tiêu thụ nhiều vitamin D không cần thiết, nguy cơ tác dụng phụ của chất bổ sung sẽ càng cao.

Dinh dưỡng hấp thụ qua thức ăn thông thường tốt hơn dinh dưỡng từ thực phẩm bổ sung

Các nhà nghiên cứu chỉ ra các chất dinh dưỡng như vitamin K, magiê, kẽm và đồng có mang lại lợi ích sức khỏe cho các đối tượng nghiên cứu nhưng chỉ khi chúng được tiêu thụ ở thực phẩm thông thường chứ không phải ở dạng bổ sung. Điều này cho thấy đối với hầu hết mọi người, một chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng mới là cần thiết để giữ gìn sức khỏe.

Khi xem xét gần 31.000 đối tượng trên 20 tuổi, nghiên cứu này liền đưa ra một số lưu ý. Ông Zhang tiết lộ, các nhà nghiên cứu đã dựa vào hành vi tự báo cáo sử dụng thực phẩm bổ sung từ các đối tượng tham gia, vì vậy nếu một đối tượng nghiên cứu báo cáo liều dùng dưới mức hoặc trên mức dùng thực tế, kết quả có thể bị sai lệch.

Tuy nhiên, ông Zhang chia sẻ: "Việc dùng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng chắc chắn không phải là một biện pháp thay thế phù hợp cho một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh."

Nghiên cứu trước đây cũng đã kết luận các chất bổ sung gần như không cung cấp lợi ích về mặt sức khỏe. Trái lại, một nghiên cứu còn cho thấy vitamin và các phương thuốc thảo dược khiến người dùng bị tăng nguy cơ vào phòng cấp cứu do các tác dụng phụ của thuốc như đau ngực và tim đập nhanh.

Các chất bổ sung không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định rõ ràng, nên nhiều công ty tạo ra các sản phẩm trên tự ý thêm các thành phần bổ sung vào thuốc. Một số chất bổ sung thậm chí còn không được quy định liều lượng khuyến cáo.

Chia sẻ với tờ Business Insider, giáo sư khoa học hành vi tại trường y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan School of Public Health, S. Bryn Austin cho biết: "Người tiêu dùng không nên mong đợi gì nhiều từ thực phẩm bổ sung bởi vì chúng ta vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào cho thấy chúng có lợi và người tiêu dùng nên nhận thức rằng họ có thể tự đặt mình vào nguy hiểm. Cho dù có ghi trên lọ thuốc hay không thì vẫn sẽ có các thành phần có thể gây hại cho sức khỏe".

Cập nhật: 10/04/2019 Theo vnreview
  • 2.060