Thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người trong thế kỷ XXI

  •  
  • 939

Trừ khi những biện pháp cấp bách được đưa ra và thực hiện, nếu không, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người chỉ riêng trong thế kỷ XXI này!

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố những số liệu cho thấy: Bên cạnh những tiến bộ trong công tác kiểm soát thuốc lá đã đạt được, thì vẫn chưa có quốc gia nào thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp và vạch ra một hướng tiếp cận để Chính phủ các nước áp dụng, nhằm ngăn chặn hàng chục triệu nạn nhân chưa trưởng thành sẽ chết vào giữa thế kỷ này.

Tình hình các ca tử vong do các căn bệnh có liên quan đến thuốc lá:

• Trong thế kỷ XX đã có 100 triệu người chết.
• Hiện nay, mỗi năm có 5,4 triệu người chết do các căn bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Trừ khi biện pháp cấp bách được thực hiện chứ không thì:
• Vào khoảng năm 2030, mỗi năm sẽ có hơn 8 triệu ca tử vong.
• Vào năm 2030, trên 80% ca tử vong do thuốc lá gây nên tập trung ở các quốc gia đang phát triển.
• Trong thế kỷ XXI ước tính sẽ có khoảng 1 tỷ ca tử vong do thuốc lá.

Trừ khi những biện pháp cấp bách được đưa ra và thực hiện, nếu không, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người chỉ riêng trong thế kỷ XXI này!

Trong báo cáo mới đây có đưa ra những phân tích tổng quát đầu tiên về tình hình sử dụng thuốc lá toàn cầu và nỗ lực kiểm soát thuốc lá, WHO cho rằng chỉ có 5% dân số thế giới sống ở các quốc gia tích cực tham gia bảo vệ người dân bằng nhiều biện pháp với mục tiêu là hạ thấp tối đa tỉ lệ người dân hút thuốc lá. Báo cáo này cũng tiết lộ rằng hằng năm, các nước trên khắp thế giới thu được khoản tiền nhiều hơn từ các loại thuế thuốc lá tới 500 lần so với số tiền mà họ dành để phục vụ cho nỗ lực ngăn chặn thuốc lá.

Báo cáo cho thấy rõ thuế thuốc lá, chiến lược hiệu quả nhất và cũng là duy nhất có thể sẽ tăng lên cao ở hầu hết các quốc gia, tạo ra một nguồn thu ngân sách ổn định để triển khai và tăng cường hướng tiếp cận 6 chính sách (viết tắt là MPOWER).

Tổng giám đốc WHO, Giáo sư Chan, người đầu tiên thực hiện bản báo cáo về nạn dịch thuốc lá toàn cầu tại một cuộc họp báo với Thị trưởng bang New York Michael Bloomberg cho biết: “Trong khi chúng ta đang thu được những động lực nhất định trong nỗ lực ngăn chặn thuốc lá, hầu như tất cả các quốc gia đều cần phải cố gắng hơn nữa. Sáu chính sách trên đều nằm trong tầm với của các quốc gia không kể giàu nghèo, khi đã kết hợp thành một sẽ tạo cơ hội tốt nhất làm đảo chiều nạn dịch đang gia tăng này. Các tổ chức từ thiện cũng tham gia gây quỹ cho bản báo cáo này.”

Thị trưởng Bloomberg cũng cho biết: “Bản báo cáo này thực sự mang tính cách mạng. Trước hết, chúng ta có cả những biện pháp nghiêm khắc để chấm dứt nạn dịch và có cả những dữ liệu chắc chắn để đưa tất cả chúng ta phải tham gia. Hiện cũng chưa có một quốc gia nào thực hiện đầy đủ tất cả các chính sách MPOWER và có tới 80% các nước chưa từng thực hiện nghiêm túc thậm chí là một chính sách. Trong khi nhiều biện pháp kiểm soát thuốc lá đôi khi còn gây tranh cãi, chúng đã cứu sống nhiều sinh mạng và vì thế các quốc gia cần bắt tay ngay vào thực hiện những hướng đúng đắn này.”

Bản báo cáo cũng cung cấp những thông tin cho thấy sự chuyển hướng dần của nạn dịch sang các khu vực đang phát triển. Ở những khu vực này, dự tính tới năm 2030 thì hằng năm có tới trên 80% số quốc gia có số ca tử vong vì các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, với khoảng trên 8 triệu người.


(Ảnh: Quitsmokinglv.com)

Xu hướng chuyển dịch này do chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu đang nhằm vào thanh niên và những người trưởng thành ở các quốc gia đang phát triển, với mục đích là đảm bảo con số hàng triệu người sẽ mắc nghiện mỗi năm. Đặc biệt, đích nhắm vào những người phụ nữ trẻ tuổi nói riêng đang được đánh giá là một trong “những mục tiêu phát triển mạnh, đáng lo ngại nhất khi mà nạn dịch này vẫn đang phát triển”.

Sáu chiến lược MPOWER:

• Giám sát việc sử dụng thuốc lá và các chính sách ngăn chặn thuốc lá.
• Bảo vệ người dân khỏi khói thuốc lá.
• Trợ giúp người nghiện thuốc lá bỏ thuốc.
• Cảnh báo về những nguy hiểm mà thuốc lá mang lại.
• Tăng cường các biện pháp ngăn chặn quảng cáo, khuyến khích và tài trợ của thuốc lá.
• Tăng các khoản thuế thuốc lá.

Bản phân tích toàn cầu do WHO biên soạn với những thông tin được thu thập từ 179 quốc gia thành viên đã vạch ra cho các quốc gia một hướng đi cơ bản nhằm giám sát nỗ lực chấm dứt nạn dịch trong những năm tới.

Gói chính sách MPOWER đã cung cấp một lộ trình hỗ trợ các quốc gia thực hiện đầy đủ các cam kết thực hiện nghiêm túc, rộng khắp trên toàn cầu - được biết đến như là Hiệp định khung WHO về kiểm soát thuốc lá (WHO Framework Convention on Tobacco Control) đã có hiệu lực từ năm 2005.

Giáo sư Douglas, Giám đốc điều hành WHO’s Tobacco Free Initiative (Sáng kiến từ bỏ thuốc lá của WHO) cho biết: 6 chiến lược MPOWER sẽ tạo ra được một sự đáp lại nạn dịch thuốc lá. “Gói chiến lược này sẽ tạo ra được một môi trường tạo điều kiện cho những người hút thuốc lá có cơ hội từ bỏ chất kích thích này, bảo vệ mọi người khỏi khói thuốc do người hút gây ra, đồng thời ngăn chặn những người trẻ tuổi mắc phải thói quen xấu.”

Doanh thu từ thuế thuốc lá nhiều hơn tới 4000 lần khoản dành cho các biện pháp kiểm soát thuốc lá ở các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình và con số này là hơn 9000 lần ở các nước có thu nhập thấp hơn. Những quốc gia có thu nhập cao thì doanh thu từ thuế thuốc lá cũng đạt cao hơn khoảng 340 lần so với những gì mà họ dành ra cho việc kiểm soát chất kích thích này.

Những phát hiện quan trọng khác từ bản báo cáo:

• Chỉ có khoảng 5% dân số toàn cầu được thực hiện các biện pháp toàn diện nhằm cấm hút thuốc lá bảo vệ và 40% quốc gia vẫn cho phép hút thuốc trong trường học và bệnh viện.

• Chỉ có 5% dân số thế giới sống ở các quốc gia có những biện pháp ngăn chặn toàn diện việc quảng cáo và khuyển khích sử dụng thuốc lá.

• Chỉ có khoảng 15 quốc gia, chiếm 6% dân số toàn cầu quản lý chặt chẽ việc in ấn những lời cảnh báo lên hộp bao thuốc lá.

• Các dịch vụ giúp điều trị sự phụ thuộc vào thuốc lá mới chỉ có mặt ở 9 quốc gia, chiếm 5% dân số toàn cầu.

Bùi Thành (Theo Sciencedaily, Vietnamnet)
  • 939