Thuốc Nam chữa chứng nước ăn chân

  •  
  • 1.453

Để chữa chứng nước ăn chân, trước hết rửa sạch chân bằng nước muối, nhất là các kẽ chân, lau khô, bôi dầu hỏa rồi rắc bột phèn phi. Ngày làm hai lần. Có thể dùng hỗn hợp bột phèn phi và mai hoa băng phiến.

(Ảnh: Canoe)Từ tháng 7 đến tháng 9 là mùa mưa bão, dễ gây lũ lụt. Lúc này, thời tiết luôn ẩm ướt dễ gây bệnh, nhất là bệnh ngoài da. Bạn có thể tận dụng những cây cỏ quanh nhà để bào chế thuốc phòng và trị bệnh.

Chữa cảm cúm

Nồi nước xông: Lá tre, lá bưởi, lá sả, cúc tần, hương nhu mỗi thứ 20 g; tỏi 2-3 nhánh, đập giập. Tùy theo hoàn cảnh sẵn có của từng nơi, có thể thay thế bằng nhiều loại lá thơm khác như bạc hà, chanh, tràm, bạch đàn, đại bi, long não. Tất cả nấu với nước đến sôi, rồi xông từ từ cho hơi nước tỏa khắp thân thể cho ra mồ hôi trong 5-10 phút. Nằm nghỉ, đắp chăn tránh gió lạnh.

Cháo giải cảm: Lá tía tô 5 g; hành 5 g; gừng tươi 3 lát thái nhỏ, cho vào bát cùng ít gia vị và một chiếc lòng đỏ trứng gà. Đổ cháo sôi lên trên, khuấy đều rồi ăn nóng.

Chữa tiêu chảy

Lấy ngay vài búp ổi hoặc đọt chè, nụ sim, rửa sạch, nhai nuốt nước dần dần. Hoặc sắc 20 g vỏ quả măng cụt hoặc quả hồng xiêm xanh, củ nâu, bằng lăng tía để uống.

Có thể dùng bài thuốc gồm ngọn non cỏ lào 50 g; quả na điếc 20 g; đốt tồn tính; gạo tẻ 30 g, rang thật vàng, sắc lấy nước đặc uống.

Chữa nước ăn chân

Lá chè xanh và lá phèn đen mỗi thứ 20-30 g, nấu nước đặc, ngâm rửa chân trong 5-10 phút. Rồi lấy quả cà dại hoa trắng phối hợp với lá lốt, mỗi thứ 20 g, giã nát, thêm ít nước, dùng bông thấm thuốc bôi vào những kẽ nứt nẻ.

Hoặc lấy lá móng tay, lá bạch hạc, lá phèn đen, lá trâm bầu mỗi thứ 50-100 g, giã nát, ngâm vào 100 ml rượu trắng. Dùng bôi 2-3 lần trong ngày.

Chữa mẩn ngứa

Lá và ngọn non cây húng giổi 20-30 g, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, cho vào vải mỏng, vắt lấy nước và cho thêm ít đường uống hoặc kết hợp hạt húng giổi 3-6 g, ngâm với nước đến khi chất nhầy bao quanh hạt phồng lên thành màng trắng. Trộn hai nước lại, uống làm một lần. Đồng thời, dùng bã lá xoa đều khắp cơ thể, nhất là vào những chỗ bị mẩn ngứa. Thường chỉ làm 1-2 lần đã thấy hết ngứa. Tiếp tục vài lần nữa là khỏi hẳn. Trường hợp không có hạt, dùng riêng lá cũng được.

DS. Đỗ Huy Bích

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
  • 1.453