Thường xuyên cãi cọ với người thân làm tăng nguy cơ tử vong

  •  
  • 365

Một nghiên cứu từ Đan Mạch cho thấy những người thường xuyên cãi vã với gia đình hay bạn bè, hoặc quá lo lắng cho những người thân yêu của họ có nguy cơ chết sớm ở độ tuổi trung niên gấp ba lần so với những người ít tranh cãi hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra nam giới thất nghiệp tỏ ra đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi stress do những va chạm thường xuyên với bạn bè và gia đình.

“Thỉnh thoảng xảy ra cãi cọ là chuyện bình thường, nhưng lúc nào cũng trong tình trạng đó thì hết sức nguy hiểm", nhà nghiên cứu Rikke Lund, phó giáo sư y tế xã hội học thuộc đại học Copenhagen cho biết.

Gần 10.000 người đàn ông và phụ nữ độ tuổi 36-52 đã tham gia vào nghiên cứu, được khởi động vào năm 2000.

Họ được hỏi những câu hỏi về các mối quan hệ xã hội thường ngày của mình, mức độ xảy ra mâu thuẫn giữa họ với bạn đời, con cái, bạn bè hay hàng xóm, cũng như liệu họ có cảm thấy lo lắng hay đòi hỏi gì với bạn bè và người thân hay không.

Qua nghiên cứu, cứ 10 người thì có 1 người cho biết bạn đời hoặc con cái thường xuyên đòi hỏi hoặc khiến họ thấy không an tâm, và cứ 20 người thì có 1 người cho biết thường xuyên cãi cọ với bạn đời hoặc con cái.

Thường xuyên cãi cọ với người thân làm tăng nguy cơ tử vong

11 năm sau, 196 người phụ nữ (tương đương 4%) và 226 người đàn ông (tương đương 6%) đã qua đời, Khoảng một nửa trong số này chết vì ung thư, và số còn lại là do bệnh tim, tai nạn, tự tử và bệnh gan do lạm dụng đồ uống có cồn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người đã đề cập đến việc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với những người khác trong đời sống xã hội của họ có nguy cơ tử vong cao gấp 2-3 lần trong suốt thời gian nghiên cứu so với những người ít có mâu thuẫn hơn.

Những người bày tỏ sự lo lắng hoặc đòi hỏi với bạn đời hoặc con cái cũng có nhiều hơn 50-100% nguy cơ tử vong.

“Lo lắng cho người khác chứng tỏ chúng ta yêu thương và quan tâm đến họ. Nhưng điều này không tốt cho sức khỏe khi nó chiếm hết thời gian của bạn", phó giáo sư Lund cho biết.

Kết quả nghiên cứu được đưa ra khi các nhân tố khác ảnh hưởng tới nguy cơ tử vong được kiểm soát như giới tính, tuổi tác, việc làm, tầng lớp xã hội, tiền sử bệnh tật nghiêm trọng.

Sự căng thẳng thường xuyên trong các mối quan hệ xã hội nhiều khả năng làm tăng nguy cơ tử vong của con người theo nhiều cách khác nhau.

Các nghiên cứu trước đây đã đề cập đến mối liên hệ giữa căng thẳng trong quan hệ xã hội và sức khỏe, và một số đã chỉ ra tỷ lệ mắc bệnh tim cao hơn ở những người hay chịu áp lực hoặc quá lo lắng bởi các quan hệ xã hội.

Những người thường xuyên bị áp lực có xu hướng thực hiện các hành vi có hại cho sức khỏe như hút thuốc và nghiện rượu, hoặc trở nên phiền muộn và bị béo phì. Những yếu tố này sẽ làm tăng nguy cơ tử vong sớm của họ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự thất nghiệp làm gia tăng sự căng thẳng trong các mối quan hệ xã hội. Những người thất nghiệp có nguy cơ chết sớm cao hơn những người cũng trải qua căng thẳng tương tự nhưng đã có việc làm.

“Việc trải qua những mối quan hệ xã hội căng thẳng có thể gây ra những triệu chứng trên cơ thể như tăng huyết áp. Các triệu chứng này là một phần lời giải thích cho mối liên hệ giữa sự căng thẳng và khả năng tử vong sau đó 10 năm", nghiên cứu cho biết.

Theo Vietnam+
  • 365