Thụy Điển "niêm phong" chất thải hạt nhân trong 100.000 năm

  •  
  • 194

Chính phủ Thụy Điển hôm 27/1 tiết lệ kế hoạch xây dựng một kho chứa dưới lòng đất để lưu trữ chất thải hạt nhân đã qua sử dụng.

Thiết kế kho lưu trữ chất thải hạt nhân của Thụy Điển.
Thiết kế kho lưu trữ chất thải hạt nhân của Thụy Điển. (Ảnh: Aktivera Talande Webb).

Cơ sở này nằm trong vùng lân cận của một nhà máy điện hạt nhân hiện có ở Forsmark, cách thủ đô Stockholm khoảng 140km về phía bắc. Công ty Quản lý Chất thải và Nhiên liệu Hạt nhân Thụy Điển (SKB) sẽ phụ trách xây dựng.

Theo kế hoạch, khoảng 12.000 tấn chất thải phóng xạ sẽ được "niêm phong" và chuyển xuống các đường hầm dưới nền đá sâu 500m so với mặt đất. Sau khoảng 70 năm, các đường hầm sẽ đầy và được đóng kín bằng bentonit, một loại đất sét tự nhiên mịn.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ước tính có tới 370.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có tính phóng xạ cao đang được lưu trữ tạm thời trên toàn cầu. Tại Thụy Điển, các nhà máy điện hạt nhân đã tạo ra khoảng 8.000 chất thải có tính phóng xạ cao kể từ khi bắt đầu hoạt động vào những năm 1970.

"Thế hệ của chúng ta phải chịu trách nhiệm về chất thải hạt nhân", Bộ trưởng Bộ Môi trường Thụy Điển Annika Strandhall nhấn mạnh tại một cuộc họp báo. "Dự án niêm phong chất thải hạt nhân dưới lòng đất là kết quả của 40 năm nghiên cứu và nó sẽ an toàn trong 100.000 năm".

Việc xây dựng kho lưu trữ theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào năm 2023 và có thể mất 10 năm để hoàn thành. Toàn bộ dự án sẽ cần khoảng 2 tỷ USD tiền đầu tư.

Cập nhật: 10/02/2022 Theo VnExpress
  • 194