Tia đất bí ẩn

  •  
  • 1.926

Tấm màn bí mật về những hiểm họa vô hình mang đầy tính thần kỳ như tam giác quỷ Bermuda, thung lũng chết Atlas hay tọa độ chết ở vùng biển Hawaii… đã được vén lên phần nào nhờ những hiểu biết về tia đất hay địa khí.

Hàng nghìn năm trước, người Trung Quốc với tư duy trực quan của mình đã phán đoán, xác định dưới mặt đất tồn tại những lực mạnh mẽ khác nhau mà con người không nhìn thấy được, và nhấn mạnh con người phải chung sống hòa bình với chúng. Tương ứng với thiên khí, các nhà thông thái đã xác lập quan niệm về địa khí: “Phàm xem đất phải lấy khí làm chủ”. Địa khí là động lực của sự dẫn truyền thể hiện qua sự lượn sóng của đất, sự biến chuyển của mạch ngầm.

Người Trung Quốc cổ phát minh ra chiếc la bàn đầu tiên trên thế giới bởi vì không những họ đã sớm cảm nhận và phát hiện được từ trường của quả đất mà còn nhận thức khá đầy đủ về sự cảm ứng giữa từ trường, địa khí và con người.

Tìm địa khí là tìm tòi, đo lường và phát hiện những đường khí trong lòng đất để thích nghi, đồng thời lợi dụng những khí lực to lớn đó để hòa nhập vào sức sống sôi động của thế giới tự nhiên. Các triết gia cho rằng muốn thân thể khỏe mạnh, vạn vật sinh trưởng, cuộc sống cường thịnh, con người phải biết cách tìm dương trạch để mong muốn được thừa hưởng lực khí từ trong lòng đất bốc lên. Nơi ở có địa khí ngưng tụ, thuận âm dương, hợp hướng thủy cục sẽ đón được khí trời tốt. Người phương Đông thường tin tưởng rằng, đất làm nhà ở mà thuận khí âm dương thì cuộc sống thuận hòa, tuổi thọ sẽ cao. Đó là nguyên lý thừa hưởng khí lành của trời đất.

Thuật phong thủy cổ chủ ý tầm tra những long mạch, huyệt vị, thế đất, hướng nhà để tìm khí tốt cho con người có cuộc sống hòa thuận với thiên nhiên. Một ngọn đồi có hình con rùa là một vùng đất tốt, con người ở đó sẽ trường thọ và an bình như loài rùa. Mạch núi, mạch đất có hình giống con rồng sẽ đem lại cho dân cư vùng này sức khỏe và sự mạnh mẽ. Hướng nhà đón đúng hướng gió lành hay ở bên cạnh sông hồ có nhiều hy vọng được thành công và may mắn.

Tia đất và hiểm họa

(Ảnh: jhuapl.edu)
Các loại tia từ vỏ cứng của trái đất phát ra, lan tỏa trên mặt đất dưới dạng sóng và từ trường được gọi là quỷ trạch, trường sinh địa, địa sinh học, trường địa điện từ hay nôm na gọi là tia đất. Chúng bao gồm những tia bức xạ điện từ, bức xạ phân rã, bức xạ độc chất hóa học, từ trường các khoáng vật thuộc các tầng hệ đất khác nhau, từ các mạch nước ngầm...

Cấu trúc đa dạng của các địa tầng, sự chuyển động của các mạch núi, biến động của các mạch ngầm, sự trôi dạt của lục địa... tạo nên nhiều loại tia đất. Sự tương tác giữa chúng càng làm cho cuộc sống tự nhiên của con người trở nên phức tạp và có phần huyền bí, siêu nhiên.

Dưới con mắt của các nhà địa chất, mặt đất không ngủ yên bình mà mọi vật chất vẫn đang chuyển động, và tác động lẫn nhau giữa các vật chất trong tự nhiên được diễn ra một cách nhanh, mạnh và liên tục. Những mỏ kim loại, những mỏ khoáng chất, những mỏ nước ngầm đều mang đầy ion điện, sản sinh ra những tia bức xạ điện từ dày đặc.

Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định, bức xạ nguy hại nhất với con người là của các chất phóng xạ rải rác khắp dưới mặt đất và của các dòng nước ngầm. Đối với những tia đất có nguồn gốc từ dòng chảy ngầm, các thử nghiệm đã cho thấy chúng có ảnh hưởng độc hại đến cơ thể con người gần bằng ảnh hưởng của bão từ trường. Tất cả các biến động này đều chịu sự tác động điện từ không cưỡng lại được của các trường lực thỏi nam châm khổng lồ trong lòng trái đất.

Hiện nay, các nhà khoa học còn lo lắng về sự bùng phát của tia đất khi chúng bị kích hoạt bởi các tia vũ trụ hay các cơn bão từ mặt trời, các vụ đụng độ của các tiểu hành tinh...

Bên cạnh đó, các tia đất cũng gây ô nhiễm cho các tầng thấp của khí quyển và làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người. Vấn đề này đã được các nhà hóa học châu Âu chứng minh: axit nitric có trên mặt đất (được hình thành từ sự biến đổi môi trường do cuộc sống của con người góp phần tạo ra) là nguyên nhân tạo ra các hợp chất hình thành ôzôn trong các tầng thấp của khí quyển theo hai mặt. Khi tương tác với ánh sáng mặt trời, axit nitric giải phóng ra các gốc hydroxyl. Gốc hydroxyl có hoạt tính cao phân hủy các chất hữu cơ dễ bay hơi gây ô nhiễm, hình thành ra ôzôn trong các tầng thấp của khí quyển. Trái ngược với tầng ôzôn ở các tầng khí quyển cao (có hiệu ứng tích cực là ngăn ngừa tia cực tím), lớp ôzôn có mặt ở ngang mức mặt đất sẽ gây kích thích mắt và làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của con người.

Đa số các bệnh lý không có triệu chứng rõ ràng, chỉ là đau đầu, cảm giác khó thở, huyết áp tăng, rối loạn tuần hoàn máu, đau nhức cơ bắp, giảm sức đề kháng... mà không thể đổ tội cho siêu vi khuẩn đều là do các bức xạ nguy hại từ tia đất tạo ra. Đặc biệt, khi bị ảnh hưởng của vùng từ trường mạnh và đủ lâu, con người có thể ngất, say. Có nhà khoa học còn cho rằng ảnh hưởng nhiều năm còn dẫn đến ung thư.

Theo Vnexpress
  • 1.926