Tiểu hành tinh đụng Trái Đất: Không nên quá lo sợ...

  •  
  • 1.613

Thiên thạch, tiểu hành tinh có gì khác nhau? Theo dự báo, năm 2036, tiểu hành tinh Apophis đụng Trái Đất... Không nên hoảng loạn - giới thiên văn khuyến cáo và trả lời những câu hỏi thường gặp nhất về chuyện này.

- Nguy cơ thiên thạch va vào Trái Đất có bị phóng đại lên không?

- Không. Không hề có sự phóng đại. Cũng như với những thiên tai khác mà loài người đang đối mặt, thì việc thiên thạch va vào Trái Đất đã trở thành một nguy cơ thật sự. Căn cứ vào các chứng cứ gần đây, các nhà khoa học ước tính rằng xác suất để một tiểu hành tinh gây nên thảm họa cho con người trong thế kỷ 21 là 1/5.000.

- Chúng ta có nên quá lo lắng đến mức hoảng loạn không?

- Không nên. Đây là một mối nguy hiểm mà chúng ta có thể đối phó được và có trách nhiệm phải vượt qua được. Hơn nữa, bạn cần nhớ rằng xác suất để bạn chết trong một vụ đụng độ giữa Trái Đất và vật thể vũ trụ thấp hơn rất nhiều so với xác suất để bạn tử vong vì một tai nạn xe hơi.

- Làm thế nào để tính toán được đường bay trong tương lai của một tiểu hành tinh?

- Có thể nói ngay rằng một tiểu hành tinh nào đó vẫn có thể đi ngang qua Trái Đất trong nhiều năm tới, thậm chí ngay sau khi chúng ta mới phát hiện ra nó.

Các tiểu hành tinh vẫn giữ nguyên quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời trừ khi có một sự cố xảy ra làm chệch hướng đi của nó, chẳng hạn như khi đến quá gần một trong những hành tinh. Các chương trình vi tính của của các chuyên gia đang theo dõi tất cả mọi biến động của các tiểu hành tinh.

Tiểu hành tinh Apophis được giới khoa học dự đoán là sẽ đụng Trái Đất vào ngày 13/4/2036 (Ảnh: Webalice.it)

Một khó khăn thực sự là là khi chúng ta phát hiện một tiểu hành tinh đang di chuyển đến quá gần Trái Đất nhưng chúng ta lại không có đủ dữ liệu để biết chắc rằng nó sẽ “tha” cho hành tinh của chúng ta. Đó là điều dẫn đến những lo lắng đang được thể hiện trên các phương tiện truyền thông.

Như là một thông lệ, cứ sau vài tuần quan sát – có khi vài tháng, các chuyên gia sẽ thu thập được những số liệu đo đạc chính xác về quĩ đạo của các tiểu hành tinh để từ đó đưa ra các dự báo về hướng di chuyển của chúng.

- Nếu có một tiểu hành tinh đe dọa Trái Đất, chúng ta có thể làm cho nó nổ tung không?

- Nếu phát hiện một tiểu hành tinh có khả năng va vào Trái Đất, chúng ta có thể tìm cách làm cho nó chệch hướng di chuyển để không va vào Trái Đất. Nếu dùng vũ khí hạt nhân để phá hủy một tiểu hành tinh thì mọi chuyện sẽ không đơn giản như chúng ta thường thấy trong phim đâu. Tốt nhất là chúng ta giữ cho tiểu hành tinh còn nguyên vẹn, vì nếu nó bị nổ tung, những mảnh vỡ của nó cũng vẫn là mối đe dọa đối với Trái Đất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đẩy tiểu hành tinh chệch ra khỏi quỹ đạo của nó bằng cách thực hiện một vụ nổ vừa phải trên tiểu hành tinh đó.

Vấn đề hết sức quan trọng là chúng ta phải dự báo được nguy cơ sớm, tức nhiều năm trước khi nguy cơ đó có thể xảy ra. Đó là lý do tại sao cần phát triển nhanh các chương trình phát hiện các vật thể nguy hiểm đối với Trái Đất. Và đó là một nhiệm vụ mang tính toàn cầu.

- Nơi nào tốt nhất trong vũ trụ để quan sát các tiểu hành tinh?

- Các chương trình tìm kiếm hiện nay đang tập trung vào một phần của bầu trời được gọi là “đối thủ”. Đó là khu vực bầu trời ngay trên đỉnh đầu của chúng ta vào lúc 12 giờ đêm. Có lẽ đó là cách dễ nhất để quan sát một tiểu hành tinh, bởi vì đó là lúc chúng hiện rõ nhất trong viễn vọng kính qua sự phản chiếu ánh sáng mặt trời.

Tất nhiên là cần quan sát toàn bộ bầu trời đêm vào mọi đêm, để không bỏ sót bất cứ tiểu hành tinh nào. Nhưng các chương trình dò tìm hiện nay chưa thể thực hiện được điều đó.

Còn nhiều việc để làm trong lĩnh vực này. Cần có những viễn vọng kính lớn hơn nhiều, bởi vì hiện nay chỉ có thể phát hiện được những tiểu hành tinh lớn mà thôi. Để thấy được những vật thể nhỏ hơn, cần có những viễn vọng kính có tầm bao quát một khu vực lớn hơn trên bầu trời.

- Một tiểu hành tinh và một sao chổi khác nhau như thế nào?

- Sự khác nhau giữa một tiểu hành tinh và một sao chổi được xác định bởi thành phần cấu tạo của chúng. Tiểu hành tinh chủ yếu được cấu thành bởi đá và kim loại; còn sao chổi thì có thành phần chủ yếu là những khối băng, và khi sao chổi di chuyển đến gần Mặt Trời thì một phần khối băng đó bốc hơi làm cho nó trở nên sáng rực do phản chiếu ánh sáng Mặt Trời, nên dễ nhận ra. Trong khi đó, các tiểu hành tinh thì vừa có kích thước nhỏ vừa tối tăm, vì thế rất khó phát hiện chúng.

Sao chổi
Sao chổi (Ảnh: Skyshooter.net)

Theo BBC

Về Apophis

APOPHIS (99942)

(99942 là số thứ tự trong danh sách tiểu hành tinh được khám phá từ trước đến nay)

Khám phá

Được khám phá bởi:Các nhà thiên văn Roy A. Tucker (Mỹ),
David J. Tholen (Mỹ), và Fabrizio Bernardi (Ý)
Ngày khám phá19/06/2004
Tên thay thế2004 MN4
Chủng loại tiểu hành tinhAten

Đặc điểm quỹ đạo

Khoảng cách xa mặt trời nhất:164,351 Gm (1,099 đơn vị thiên văn)
Khoảng cách gần mặt trời nhất:111,633 Gm (0,746 đơn vị thiên văn)
Chu kỳ quỹ đạo:323,587 d (0,89 a)
Tốc độ trung bình trên quỹ đạo:30,73 km/s
Độ nghiêng:3,331°
Độ lệch tâm0,191

Đặc điểm vật lý

Kích thước~250 m (ước tính)
Khối lượng2×1010 kg (ước tính)
Nhiệt độ~290 K
Năng lượng4,0e-02 MT
Độ sáng biểu kiến tuyệt đối19,2

Cho đến thời điểm này, theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), 99942 Apophis đang là tiểu hành tinh có khả năng đe dọa loài người nhiều nhất.

Một cú va đập của 99942 Apophis vào vùng đô thị có thể mang đến tổn thất bằng với sự phá hủy mà cơn bão Katrina (năm 2005 tại Mỹ), sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương và trận động đất năm 1906 tại San Francisco cộng lại.

Một số thuật ngữ:

Thiên thạch (meteoroid): là những mảnh vỡ tương đối nhỏ trong Hệ Mặt Trời. Khi tiến vào bầu khí quyển của một hành tinh, các thiên thạch bị đốt nóng bởi áp suất của bầu khí quyển của hành tinh và bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn. Những mảnh tồn tại được có thể rơi xuống hành tinh đó.

Theo Hội Thiên văn quốc tế (IAU), thiên thạch được định nghĩa như sau: "Một vật thể rắn di chuyển trong không gian liên hành tinh, có kích thước nhỏ hơn nhiều so với tiểu hành tinh nhưng lớn hơn nhiều so với một nguyên tử hoặc phân tử”.

(Ảnh: Spysoftball.com)IAU cũng định ra phạm vi kích thước của thiên thạch là từ 100 µm đến 10 m theo chiều dài. Lớn hơn 10 m, vật thể đó sẽ được gọi là tiểu hành tinh; còn nhỏ hơn 100 µm thì được gọi là bụi liên hành tinh.

Tiểu hành tinh (Asteroid): hay hành tinh nhỏ, là từ để chỉ một nhóm các thiên thể nhỏ trôi nổi trong hệ mặt trời trên quỹ đạo quanh Mặt trời. Asteroid (từ tiếng Hy Lạp có nghĩa "giống sao") là từ được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Anh để chỉ các tiểu hành tinh, và đã trở thành thuật ngữ ưu tiên của Liên đoàn Thiên văn học Quốc tế.

Trong Hệ Mặt trời, tiểu hành tinh đầu tiên và lớn nhất được phát hiện là Ceres, hiện tại nó được xếp loại là một hành tinh lùn, trong khi số còn lại hiện được xếp loại như những vật thể nhỏ Hệ Mặt trời.

Cho đến nay, hàng trăm nghìn tiểu hành tinh đã được khám phá bên trong hệ mặt trời và tỷ lệ khám phá hiện nay là khoảng 5.00 tiểu hành tinh/tháng. Tới ngày 17/9/2006, trong tổng số 342.358 tiểu hành tinh được biết, 136,563 có quỹ đạo được xác định đủ để được đánh ký hiệu chính thức. Trong số đó, 13.422 có tên chính thức.

Sao chổi (Comet): Sao chổi là một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng không cấu tạo nhiều từ đất đá, mà chủ yếu là băng. Nó được miêu tả bởi một số chuyên gia bằng cụm từ "quả bóng tuyết bẩn" vì nó chứa Carbonic, mêtan và nước đóng băng lẫn với bụi và các khoáng chất. Đa phần các sao chổi có quỹ đạo elíp rất dẹt, một số có viễn điểm quỹ đạo xa hơn nhiều so với Diêm Vương Tinh.

Quỹ đạo của sao chổi còn khác biệt so với các vật thể khác trong Hệ Mặt Trời ở chỗ chúng không nằm gần mặt phẳng hoàng đạo mà phân bố ngẫu nhiên toàn không gian. Khi lại gần Mặt Trời, nhiệt độ tăng làm vật chất của sao chổi bốc hơi và, dưới áp suất của gió Mặt Trời, tạo nên các đuôi bụi và đuôi khí, trông giống như tên gọi của chúng, tức có hình cái chổi.

Cứu Trái Đất, NASA dự định đổ bộ xuống tiểu hành tinh

Minh Quang

Theo NASA, Wikipedia, Vietnamnet
  • 1.613