Tìm hiểu về bệnh rối loạn phân ly tập thể

Nhận biết và phòng tránh rối loạn phân ly tập thể
  •  
  • 1.764

Rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3-0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất.

Rối loạn phân ly là gì?

Rối loạn phân ly tập thể là một chứng bệnh rối loạn phân ly (Hysteria) được biểu hiện trong một tập thể. Đó là những trường hợp rối loạn chuyển đổi, người bệnh trải qua các cảm giác thật do các triệu chứng tâm lý kích hoạt. Bắt đầu các rối loạn cá nhân và phát thành dịch trong một tập thể lớn.

Triệu chứng của rối loạn phân ly

Các trường hợp rối loạn phân ly xảy ra đồng loạt được gọi là “rối loạn phân ly tập thể”.
Các trường hợp rối loạn phân ly xảy ra đồng loạt được gọi là “rối loạn phân ly tập thể”.

Các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng: run toàn thân, lắc hoặc gật đầu liên tục, khó nói, mất vị giác, thị giác, thính giác, liệt một chi hoặc cả tứ chi, rối loạn tư duy...

Các trường hợp rối loạn phân ly xảy ra đồng loạt được gọi là “rối loạn phân ly tập thể”. Khi một người trong nhóm có biểu hiện rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng “bị lan truyền”, xem như một cơ chế tự giải thoát khỏi áp lực học tập, công việc...

  • Rối loạn vận động: Rất đa dạng như lắc đầu, gật đầu, nháy mắt, múa giật, múa vờn... Hay gặp nhất lại là run toàn thân hoặc run cục bộ một phần chi thể, run tăng lên khi chú ý. Triệu chứng liệt phân ly cũng hay gặp ở các mức độ khác nhau, gặp cả liệt cứng và liệt mềm, một chi, hai chi hoặc cả tứ chi, nhưng trương lực cơ không thay đổi. Có thể gặp chứng rối loạn phát âm như khó nói, nói lắp, không nói trong khi cơ quan phát âm không bị tổn thương.
  • Rối loạn cảm giác: Rối loạn cảm giác thường gặp trong phân ly là cảm giác đau. Các khu vực mất cảm giác không đúng với vùng định khu của thần kinh cảm giác. Tăng cảm giác đau trong phân ly phức tạp hơn nhiều, dễ làm cho người ta nhầm với các triệu chứng đau “thực vật” và đau ngoại khoa như đau viêm ruột thừa, đau giun chui ống mật, đau vùng trước tim, đau dây thần kinh hông...
  • Rối loạn các giác quan (mù, điếc phân ly, mất vị giác và khứu giác phân ly, các rối loạn thực vật - nội tạng phân ly); Rối loạn tâm thần (quên, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy...).
  • Sững sờ phân ly: Vận động tự chủ giảm hoặc mất, người bệnh nằm hoặc ngồi bất động trong thời gian dài. Không nói và không hoạt động, không có các đáp ứng với một số kích thích như tiếng động, không mất ý thức, 2 mắt mở hoặc nhắm nghiền, không có các rối loạn cơ thể hoặc tâm thần khác liên quan đến trạng thái sững sờ và rất khó phân biệt với sững sờ căng trương lực, sững sờ trầm cảm.
  • Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Mất ý thức tạm thời. Hành động của cá nhân như một nhân cách khác, một linh hồn khác, một vị thần hoặc một lực lượng nào đó điều khiển. Xuất hiện một số động tác, tư thế, lời nói hạn chế và lặp lại. Các rối loạn đó xuất hiện không tự ý, không mong muốn và xuất hiện giữa các hoạt động thông thường xảy ra.

Những yếu tố thuận lợi cho bệnh rối loạn phân ly xuất hiện

Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề..

Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương. Đôi khi khó tìm thấy dấu vết của các chấn thương tâm lý, nhất là các trường hợp tái phát nhiều lần.

Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy các rối loạn phân ly trước hết là nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra cũng có thể gặp các yếu tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não.

Khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan.
Khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan.

Đặc điểm của rối loạn phân ly

Đó là tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Tăng cảm xúc là do hoạt động của vỏ não suy yếu, thoát ly khỏi sự kiềm chế của dưới vỏ, do đó trước kích thích mạnh của sang chấn thì không tự kiềm chế được, vỏ não lâm vào trạng thái ức chế. Vì không có sự điều hòa của vỏ não nên hoạt động của vùng dưới vỏ tăng và xuất hiện các triệu chứng đa dạng của rối loạn phân ly.

Cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Do vậy khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan. Có khi còn bị cho là ma quỷ gây nên.

Trong lâm sàng, bệnh nhân thể hiện bằng một loạt các triệu chứng cơ thể cùng với mất chức năng thứ phát mà không có một nguyên nhân tổn thương thực thể nào. Biểu hiện bệnh rất đa dạng vì vậy có nhiều cách phân loại bệnh khác nhau.

Cách điều trị rối loạn phân ly

Chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý. Liệu pháp ám thị thường được áp dụng có hiệu quả. Có thể dùng các thuốc hướng tâm thần, châm cứu, bấm huyệt tạo ra một ấn tượng tâm lý đủ mạnh để người bệnh tin tưởng tuyệt đối vào thầy thuốc làm mất các triệu chứng rối loạn chức năng.

Có thể áp dụng liệu pháp ám thị trong giấc ngủ thôi miên cũng đạt hiệu quả tốt. Khi áp dụng tâm lý liệu pháp phải có thái độ tôn trọng người bệnh, không được xem họ là người giả bệnh. Tránh thái độ quá chiều chuộng, quá lo lắng, theo dõi quá chặt chẽ, vô tình ám thị cho người bệnh rằng bệnh quá nặng. Song song với tâm lý liệu pháp cần tăng cường điều trị tâm thần, nâng đỡ thể trạng và điều chỉnh sự mất cân bằng của hai quá trình hưng phấn và ức chế ở vỏ não bằng các thuốc an thần nhẹ và các thuốc hoạt hóa vỏ não như bromua, cafein... Kết hợp với các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập.

Để dự phòng bệnh này, cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly. Rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.

Cập nhật: 29/11/2022 Theo SKĐS/tuoitre
  • 1.764