Các nhà khoa học phát hiện một ngoại hành tinh mang tên loài sói quay quanh một ngôi sao lùn đỏ cách chúng ta 31 năm ánh sáng có thể rất giống với Trái đất.
Đó là ngoại hành tinh Wolf 1069b, quay quanh ngôi sao mẹ Wolf 1069, được nghiên cứu bởi nhóm khoa học gia đẫn dầu bởi tiến sĩ Diana Kossakowski thuộc Viện Thiên văn học Max Planck (MPIA - Đức).
Cảnh quan được dự đoán trên Wolf 1069b - (Ảnh đồ họa từ NASA).
"Khi chúng tôi phân tích dữ liệu của ngôi sao, chúng tôi đã phát hiện ra một tín hiệu rõ ràng, có biên độ thấp về thứ dường như một hành tinh có khối lượng gần bằng Trái đất. Nó quay quanh ngôi sao mỗi 15,6 ngày ở khoảng cách tương đương 1/15 khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời" - tiến sĩ Diana Kossakowski cho biết.
Theo Sciecne Alert, vì Wolf 1069 là sao lùn đỏ, một loại sao rất mát so với Mặt trời nên việc ở gần sao mẹ không khiến hành tinh này quá nóng mà ngược lại lại giúp nó rơi vào ngay giữa "vùng sự sống" Goldilocks của ngôi sao.
Trong vùng sự sống, các hành tinh sẽ nhận được nhiệt độ vừa đủ để sở hữu một khí hậu ôn hòa như Trái đất, với nước có khả năng tồn tại dưới dạng lỏng.
Hành tinh có kích cỡ khoảng 1,36 lần Trái đất này nhân được khoảng 65% bức xạ mà Trái đất nhận được.
Ở mức độ này, điều khiến nó sống được hay không sẽ là bầu khí quyển. Các nhà khoa học dự định sẽ tìm hiểu điều này trong các bước tiếp theo, nhưng tạm thời bị cản trở bởi công nghệ của người Trái đất còn hạn chế, có thể sẽ cần vài năm hoặc 1 thập kỷ nữa theo đà phát triển ngày nay.
Nếu đó là "một con sói 1069b trần trụi" - tức giống sao Thủy, nó sẽ có nhiệt độ âm 23 độ C và khó sống. Tuy nhiên nếu sở hữu bầu khí quyển dày và đẹp như Trái đất, nó sẽ là một thế giới ôn hòa và mát mẻ hơn hành tinh ngày càng khắc nghiệt của chúng ta.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.