Phân tử lớn nhất được tìm thấy trong một đĩa khí bụi xoay quanh một ngôi sao nhỏ đã được xác định. Đó là một khối xây dựng sự sống.
Theo Science Alert, khi kiếm ra đám mây xoáy xung quanh ngôi sao IRS 48, các nhà khoa học đã phát hiện dấu hiệu của dimethyl ether, một phân tử chứa 9 nguyên tử. Phân tử mang oxy này có thể hoạt động như khối xây dựng cho đường và các phân tử sinh học khác, tức chúng ta có thể coi nó như một hợp chất tiền sinh học.
Cận cảnh các phân tử kỳ lạ, là khối xây dựng sự sống sơ khai, đang lang thang trong đĩa tiền hành tinh - (Ảnh: ALMA)
"Từ phát hiện này, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về nguồn gốc của sự sống trên hành tinh của chúng ta và do đó có được ý tưởng tốt hơn về tiềm năng của sự sống trong các hệ hành tinh khác" - nhà thiên văn học Nashanty Brunken từ Đại học Leiden (Hà Lan), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Dimethyl ether bao gồm 2 nguyên tử carbon, 6 nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy, với công thức hóa học CH3OCH3.
Người ta cho rằng những phân tử này hình thành trong các vùng hình thành sao lạnh, có từ trước khi các ngôi sao hình thành.
Phát hiện này đến từ việc trong đĩa xung quanh IRS 48, một ngôi sao cách chúng ta 444 năm ánh sáng trong chòm sao Ophiuchus, các nhà khoa học phát hiện một điểm lưỡi liềm không đối xứng, hoạt động như một "bẫy bụi".
Bẫy bụi này đã sản sinh ra rất nhiều các phân tử phức tạp và các phân tử này có thể kết tụ thành những đám ngày càng lớn, cuối cùng có thể hình thành sao chổi, tiểu hành tinh hoặc thậm chí là hành tinh.
Khi bức xạ của ngôi sao đi tới bẫy bụi, nó khiến băng thăng hoa. Do đó khi sử dụng kính thiên văn ALMA mạnh mẽ đặt tại Chile, các nhà khoa học đã phát hiện được dấu hiệu của các phân tử dựa trên quang phổ.
Phát hiện thú vị này cũng cho thấy, các phân tử "tổ tiên" của chúng ta có thể lang thang trong vũ trụ từ rất lâu trước khi Trái đất được hình thành.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.