Trong đợt khảo sát, điều tra khảo cổ học cuối tháng 11 đầu tháng 12-2010 tại xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Bảo tàng Cao Bằng đã phát hiện nhiều di tích khảo cổ học quan trọng. Tại thềm cổ sông Bằng Giang thuộc địa phận thôn Bó Mạ, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích người nguyên thủy gồm hàng chục di vật đều là những công cụ lao động của người tiền sử. Tất cả được chế tác từ những viên cuội sông suối, bằng kỹ thuật ghè đẽo còn thô sơ.
Về kỹ thuật chế tác, cư dân nguyên thủy đã sử dụng kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, ghè vài nhát lớn hạn chế trên một mặt viên cuội để tạo rìa lưỡi. Về kiểu dáng, gồm một số loại như công cụ chặt rìa lưỡi dọc, công cụ mũi nhọn.
Các nhà khảo cổ cho biết vừa tìm thấy nhiều di vật của người tiền sử ở Cao Bằng (ảnh minh họa)
Dựa vào kỹ thuật ghè đẽo và kiểu dáng công cụ, các nhà khảo cổ cho rằng hầu hết các công cụ này rất gần gũi với công cụ ghè đẽo thuộc thời đá cũ. Mặc dù chưa tìm thấy dấu tích nhà cửa, bếp lửa và tàn tích thức ăn... nhưng sự có mặt của công cụ lao động trong tầng trầm tích thềm sông giúp ta có thể nhận định đây là di tích cư trú của người tiền sử trên bề mặt bậc thềm sông cổ, trong quá trình kiếm sống người nguyên thủy đã để rơi sót lại.
Hiện tại, các nhà khảo cổ xếp di tích này thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ, có tuổi vào khoảng trên dưới 20.000 năm cách nay.
Phó giáo sư-tiến sĩ Trình Năng Chung - trưởng đoàn khảo sát - cho biết từ xa xưa người dân khu vực huyện Hòa An, Cao Bằng vẫn lưu truyền truyền thuyết về thành Bản Phủ ở xã Hưng Đạo.
Truyền thuyết kể rằng từ rất xa xưa trong lịch sử có nhân vật
Thục Chế là cha của
Thục Phán An Dương Vương đã xây đắp thành
Bản Phủ. Khảo sát thực tế cho thấy bên ngoài thành Bản Phủ có một con hào sâu rộng, là nơi đào lấy đất đắp thành. Trong đợt khảo sát này, các nhà khảo cổ học đào cắt ngang thành để kiểm tra về kết cấu các lớp đắp thành và các di vật kèm theo tìm kiếm câu trả lời về kết cấu và niên đại thành Bản Phủ.
Kết quả đào khảo sát cho thấy bề mặt thành hiện tại rộng hơn 1m, cao 2,5m, chân thành rộng gần 6m. Có ít nhất 8 lớp đất được đắp lên để tạo thành. Kết cấu giữa các lớp đất rất chặt, chỉ phân biệt được nhờ màu sắc của đất.
Đáng chú ý là trong tất cả các lớp đất đã phát hiện được hàng trăm di vật đá, gốm sành sứ và một vài mẩu kim loại sắt và đồng đã bị gỉ; không có sự phân biệt lớn về di vật giữa các lớp. Bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng các lớp đắp thành được thực hiện cùng một thời gian.
Hiện tại, các nhà khảo cổ đang tiến hành thu thập các mẫu vật để phân tích niên đại. Những phát hiện này góp vào nhận thức mới về văn hóa tiền sử Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.