Một nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã bất ngờ chụp được những bức ảnh ngoạn mục về bắc cực quang tại North Yorkshire, Anh.
Ông Chris Lowther đã bất ngờ chụp được những bức ảnh về bắc cực quang. (Ảnh: Chris Lowther).
Ban đầu, ông Chris Lowther đã lắp đặt các thiết bị chụp hình vào hôm 26/9 tại nhà ở Bulmer, North Yorkshire với hy vọng có thể chụp được "một số vệt sao" trên bầu trời đêm, BBC đưa tin ngày 28/9.
Ông đặt chế độ chụp hẹn giờ trên máy ảnh và đi ngủ. Khi quay lại vào vài giờ sau, ông bất ngờ khi nhìn thấy những hình ảnh về bắc cực quang trong máy ảnh của mình.
"Tôi không nghĩ rằng mình có thể chụp được bắc cực quang", ông nói.
Aurora borealis, hay bắc cực quang là luồng ánh sáng nhiều màu sắc xuất hiện ở bắc bán cầu. Cực quang được miêu tả như màn trình diễn ánh sáng tuyệt vời trên Trái đất. Đây là hiện tượng chỉ xuất hiện ở những nơi có vĩ độ cao, khiến giới khoa học kinh ngạc suốt nhiều thế kỷ.
Những luồng ánh sáng màu hồng và xanh lục được chụp lại từ Bulmer, North Yorkshire. (Ảnh: Chris Lowther).
Nhà của ông Lowther nằm ở Ryedale, nơi có mức ô nhiễm ánh sáng thấp và tầm nhìn ra Đồi Howardian, là một địa điểm nổi tiếng trên thế giới đối với những người thích ngắm sao.
Cùng vào đêm 26/9, khi ông Chris Lowther chụp lại được cảnh tượng trên, nhiều nhà thiên văn học và nhiếp ảnh gia đã chờ ngoài trời để chiêm ngưỡng Sao Mộc một cách rõ nét nhất, khi hành tinh này ở vị trí gần với Trái đất nhất trong vòng 59 năm.
"Tôi biết về sao Mộc, tôi có một vài bức ảnh về sao Mộc nhưng chúng không đẹp lắm", ông Chris Lowther nói.
Người đàn ông 53 tuổi đã đặt máy ảnh và đi ngủ.
"Sau đó khoảng 2 giờ, tôi thức dậy và ra ngoài kiểm tra lại máy ảnh thì thấy khung hình có màu hồng và xanh", ông kể lại.
"Tôi đã chuẩn bị đóng gói, thu đồ lại trong đêm nhưng đột nhiên tôi nghĩ rằng tôi cần kiểm tra trước khi tắt máy", ông nói và cảm thán khi nghĩ lại cảnh tượng ngoạn mục được máy ảnh chụp lại. "Tôi đã thức đến 4 giờ để chụp ảnh tiếp".