Nhiều loại ung thư xuất phát từ các thói quen thiếu lành mạnh. Chính vì vậy, điều chỉnh lối sống là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa căn bệnh nan y này.
Việc uống trà hay ăn các loại lẩu, cháo, súp, canh… khi đang còn quá nóng không chỉ gây bỏng da, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ung thư thực quản. Theo lý giải của các chuyên gia, thức ăn hay đồ uống nóng gây tổn thương niêm mạc thực quản, từ đó dẫn đến viêm thực quản. Trong khi đó, nghiên cứu đã chứng minh rằng, hiện tượng viêm kéo dài chính là một trong những nguyên nhân gây khởi phát ung thư.
Trong lúc ngủ, cơ thể sẽ được hồi phục, thông qua các quá trình sửa chữa mô, cơ bị tổn thương, cũng như dọn dẹp các chất độc hại phát sinh từ các quá trình chuyển hóa, để phục vụ chức năng sống. Bên cạnh đó, thông qua giấc ngủ, hệ miễn dịch của chúng ta cũng sẽ được củng cố thêm.
Việc thức khuya, thói quen đi ngủ thất thường (thời điểm đi ngủ/thức giấc, số giờ ngủ) sẽ làm xáo trộn đồng hồ sinh học, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng quát, trong đó có chức năng miễn dịch. Hệ miễn dịch suy yếu cũng chính là thời cơ để ung thư có cơ hội khởi phát, đặc biệt là bệnh bạch cầu, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
Để có một giấc ngủ thật chất lượng, bên cạnh tập cho mình thói quen đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, thì việc đảm bảo không gian phòng ngủ đủ tối cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Theo lý giải của các nhà khoa học, ánh sáng từ đèn sẽ ức chế quá trình sản sinh melatonin, vốn là loại hormone giúp cơ thể thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ sâu, đồng thời cũng là nhân tố quan trọng đối với hệ miễn dịch.
Chế độ ăn có ảnh hưởng đáng kể đến rủi ro mắc ung thư. Một chế độ ăn nhiều calo và ít rau củ, trái cây có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, điển hình là ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng. Ngược lại, chế độ ăn nhiều thực vật sẽ giúp cung cấp cho cơ thể các vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa, đều là những dưỡng chất có tác dụng phòng, chống ung thư. Ví dụ, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người không ăn cà rốt có tỉ lệ mắc ung thư cao gấp 7 lần so với người ăn nhiều cà rốt, bởi chế độ ăn thiếu vitamin A có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư dạ dày.
Để có một chế độ ăn thật lành mạnh, các chuyên gia khuyến cáo, trong khẩu phần ăn mỗi ngày nên có nhiều hơn 400 gam rau và không quá 75 gam thịt, cá.
Đôi khi vì công việc bận rộn, ngại đi vệ sinh ở nơi công cộng hay một lý do nào đó, khiến nhiều người chọn giải pháp nhịn đại tiện, mặc dù đã có dấu hiệu đau bụng.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu hành vi này được lặp lại nhiều lần thành thói quen có thể khiến nguy cơ mắc ung thư trực tràng tăng lên. Theo lý giải, trong phân có chứa nhiều hydro sunfua, skatole và các chất gây ung thư khác. Trong trường hợp phân bị trữ lại trong ruột già một thời gian dài, những độc tố này dễ bị hấp thụ trở lại và gây kích thích niêm mạc ruột. Việc niêm mạc ruột liên tục bị tác động vì thói quen nhịn đại tiện có thể dẫn đến bệnh ung thư đại trực tràng.
Ít vận động là một vấn đề đặc trưng của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là với những người làm công việc văn phòng. Thời gian ngồi nhiều không chỉ làm giảm sức mạnh của cơ bắp, ảnh hưởng đến cột sống, mà thậm chí còn làm gia tăng rủi ro mắc ung thư.
Các chuyên gia Đức đã chứng minh được rằng, số lượng các tế bào miễn dịch sẽ tăng lên cùng với cường độ vận động thể chất. Ngược lại, lực lượng bảo vệ cơ thể này sẽ bị suy giảm quân số nếu chúng ta lười vận động. Hệ miễn dịch suy yếu cũng là dịp để các bệnh cơ hội khởi phát, trong đó có ung thư. Nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng, những người ít vận động có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao hơn 40-50% so với người tập thể dục thường xuyên.