Top 5 vùng nước sặc sỡ nhất trên Trái đất

  •  
  • 289

Hãy quên đi làn nước xanh trong leo lẻo! Trái đất là một hành tinh diệu kỳ. Tại Colombia, địa cầu có sông 5 màu. Ở Senegal, nó tự hào khoe hồ Lac Rose hồng tươi như sữa dâu...

1. Caño Cristal (Colombia)

Caño Cristal là con sông tự nhiên nằm trong Công viên Quốc gia Sierra de La Macarena, thuộc vùng La Macarena (Colombia). Nó nổi tiếng thế giới là dòng sông ngũ sắc, sở hữu 5 màu: Hồng, đỏ, vàng, cam và xanh nõn chuối.

“Dòng sông trốn xuống từ thiên đường” Caño Cristal.
“Dòng sông trốn xuống từ thiên đường” Caño Cristal.

Sông Caño Cristal bắt nguồn từ đỉnh Guiana Shield 1,7 tỷ năm tuổi, một trong những núi đá cổ nhất hành tinh. Nó chảy về hướng Nam, uốn lượn vòng vèo, xuôi nghềnh đổ thác 100km. Colombia sở hữu khí hậu 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. Suốt mùa mưa, đất nước Nam Mỹ này sũng nước.

Caño Cristal cuộn thác lũ ào ạt, đục ngầu, đơn thuần là một dòng nước hung hãn. Song mùa khô tràn nắng vừa sang làm nước rút, nó lập tức thay đổi diện mạo, trở thành dòng sông đẹp nhất hành tinh.

Mùa khô ở Colombia bắt đầu vào tháng 6 và kéo dài đến tháng 11. Nắng gay gắt đến độ không khí như muốn bốc cháy. Không còn phù sa do nước mưa trôi cuốn vào, Caño Cristal trong veo thấu đáy. Toàn bộ lòng sông Caño Cristal được trải bằng lớp đá cổ hàng tỷ năm tuổi. Chúng rất giàu có phốt pho, sắt, thạch anh… thích hợp cho rêu Macarenia clavigera sinh sôi.

Macarenia clavigera là loại rêu đặc hữu của khu vực La Macarena. Nó khác với các loại rong rêu thủy sinh bình thường ở chỗ, đổi màu theo cường độ ánh sáng mặt trời. Khi nắng mùa khô càng chói chang và mực nước Caño Cristal càng cạn, chúng đua nhau đổi sắc.

Dù cùng là một loại rêu, mỗi đám lại “nở” một màu khác. Chưa hết, Macarenia clavigera còn đổi màu ngẫu nhiên. Caño Cristal luôn thay đổi diện mạo. Nó đẹp đến nỗi, người Colombia phải gọi là “dòng sông trốn xuống từ thiên đường”.

2. Lac Rose (Senegal)

Lac Rose lộng lẫy nhất khi trời ngập nắng.
Lac Rose lộng lẫy nhất khi trời ngập nắng.

Không có nơi nào trên thế giới lại “bồng lai tiên cảnh” hơn hồ Hồng - Lac Rose ở Bán đảo Cap Vert, Senegal. Nó nằm sát rạt Đại Tây Dương, chỉ cách nhau một dải đất hẹp, gần đến nỗi sóng biển đánh nhẹ một cái, nước mặn đã tràn vào trong hồ.

Đúng như cái tên hồ Hồng, Lac Rose hồng rực. Nó nổi bật trong khung cảnh giữa rừng cây xanh lục và biển biếc. Diện tích của Lac Rose khoảng 3 km2. Càng về trưa, khi nhiệt độ lên đến 37oC, nắng gắt gỏng và gió khô nóng nhất, nó càng rực rỡ. Cũng như ở Caño Cristal, tác nhân tạo nên sắc màu này là thực vật. Đó là vi tảo đỏ Dunaliella salina.

Dunaliella salina là một trong các loài vi tảo ưa mặn phổ biến, có mặt trên khắp thế giới. Chúng sở hữu khả năng tổng hợp Beta-Carotene, chất hữu cơ bảo vệ siêu việt. Chất này có tác dụng chống nắng cháy, tăng cường tiến độ quang hợp và mang gam màu nóng.

Trời càng nắng bức, Dunaliella salina càng tích cực sản xuất Beta-Carotene, biến toàn thân thành màu hồng tươi như sữa dâu tây.

Nước trong Lac Rose mặn gấp 10 lần Đại Tây Dương. Nó là kết quả của việc nhận nước, bốc hơi, lắng muối hết năm này qua năm khác.

3. Yuncheng (Trung Quốc)

Yuncheng tựa như một bảng màu vẽ khổng lồ.
Yuncheng tựa như một bảng màu vẽ khổng lồ.

Tương tự Lac Rose, Yuncheng (Sơn Tây, Trung quốc) là một hồ muối. Khác ở chỗ, nó được chia thành từng khoang, mỗi ngăn lại sở hữu một màu. Mùa hè vừa sang, lớp lớp vi tảo ưa mặn đua nhau sản xuất chất chống nắng Beta-Carotene. Chúng hình thành nên một Yuncheng đa sắc, nhìn hệt như một bảng màu vẽ khổng lồ.

Tất nhiên Yuncheng không tự chia ngăn, mà do con người can thiệp. Với diện tích lên đến 132 km2, nó sớm bị phân chia thành các thửa ruộng lớn nhỏ khác nhau, thuận tiện cho công việc thu hoạch muối. Từ khoảng 6.000 năm trước, người Hán đã biết tận dụng nguồn muối trong lòng hồ. Ở Thế kỷ VI, Yuncheng còn đóng vai trò là nơi cung cấp muối chính, phụ trách 1/4 tổng sản lượng muối cả Trung Quốc.

Hiện nay, Yuncheng vẫn là một trong những vùng cung cấp muối quan trọng. Kể từ năm 1980, Yuncheng đã chuyển sang sản xuất muối theo dây chuyền công nghệ hiện đại.

4. Dallol (Ethiopia)

Dallol tuyệt đẹp nhưng cực độc, không có sự sống.
Dallol tuyệt đẹp nhưng cực độc, không có sự sống.

Dallol là khu vực nước non nghèo nàn ở Vùng Afar của Ethiopia. Nó chỉ bao gồm những vũng nước nhỏ, phơi sắc màu lung linh kỳ diệu. Có điều, nước ở đây không hẳn là nước. Nếu Caño Cristal, Lac Rose, Yuncheng là những thiên đường sống thì Dallol đích thực là địa ngục. Toàn bộ các vũng nước của nó đều là axit đậm đặc, đến cả vi khuẩn cũng không tài nào sinh tồn nổi.

Nhiệt độ trong Dallol cực nóng, luôn ở mức 40oC, có lúc vọt lên 73oC. Bên dưới các vũng nước không một mống sự sống này là núi lửa đang sôi sục. Chỉ cần đứng trên mặt đất ở đây một lúc, đế giày dép liền bị nung chảy.

Kỳ diệu là chính trong “cổng địa ngục” này, người Afar tìm thấy nguồn sống giàu có: Muối. Suốt hàng nghìn năm, muối Dallol đóng vai trò sinh kế của người Afar. Mỗi đêm, khi nhiệt độ trong “cổng địa ngục” xuống tới mức thấp nhất, người Afar lại thắp đuốc soi đường vào lấy muối. Họ bán cho các thương buôn, kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống phụ thuộc vào đàn gia súc.

5. Grand Prismatic (Mỹ)

Grand Prismatic bỏng rẫy, song vẫn dày đặc vi tảo sinh sôi.
Grand Prismatic bỏng rẫy, song vẫn dày đặc vi tảo sinh sôi.

Grand Prismatic là một hồ nước nóng nằm trong Vườn quốc gia Yellowstone, Mỹ. Nó sôi 70oC, bốc hơi 2.100 lít nước/phút. Mặc dù sôi sục, nước Grand Prismatic chứa đầy các khoáng chất. Nó thuận lợi cho nhiều loài vi tảo chịu nóng phát triển.

Đường kính của Grand Prismatic khoảng 110m, có độ sâu 50m. Trừ tâm lòng hồ quá nóng, không vi tảo nào sinh trưởng được, nó đặc thực vật vi sinh. Chúng mang đủ các gam màu nóng, phổ biến nhất là màu cam và vàng.

Như hầu hết các vùng nước rực rỡ nhờ rêu, tảo, Grand Prismatic cũng cực kỳ lộng lẫy vào mùa hè. Cái nắng của trời và độ sôi của nước ép thực vật vi sinh sản xuất chất bảo vệ tự nhiên hết công suất. Sắc diệp lục biến mất, thay vào đó là những gam màu chói sáng, thách thức nắng rát.

Cập nhật: 19/05/2021 Theo GDTĐ
  • 289