Nước mắm thật ra không có nguồn gốc từ châu Á mà ở châu Âu

  •   3,33
  • 2.007

Thời đó, nước mắm được dùng để thay thế muối trong nấu ăn và làm nước sốt bằng cách kết hợp với mật ong, rượu vang, giấm, thảo dược và dầu.

Từ biết bao đời nay, ở các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nước mắm đã trở thành thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, đến nỗi hầu như ai cũng mặc định rằng đây chính là nơi đã sản sinh ra thứ gia vị vang danh khắp thế giới này. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải như thế, nước mắm bắt nguồn ở tận châu Âu từ cách đây rất lâu.

Nước mắm không có nguồn gốc từ Đông Nam Á hay Việt Nam như nhiều người vẫn tưởng.
Nước mắm không có nguồn gốc từ Đông Nam Á hay Việt Nam như nhiều người vẫn tưởng.

Theo sử sách ghi lại, nước mắm có nguồn gốc từ thời Đế quốc La Mã (từ năm thứ 27 trước CN), có tên gọi là garum, được chưng cất bằng cách ướp cá với muối rồi ủ cho lên men, giống hệt với cách làm nước mắm ở châu Á hiện tại. Có điều thời đó người La Mã dùng ít muối hơn, chỉ có 15% lượng muối so với 50% như ngày nay, giúp cho garum chứa nhiều dưỡng chất hơn và đậm đà hương vị hơn.

Đây là một tấm khảm khai quật được từ phần nền một cửa hiệu bán garum ở Pompeii
Đây là một tấm khảm khai quật được từ phần nền một cửa hiệu bán garum ở Pompeii, thành phố bị núi nửa chôn vùi vào năm 79 sau CN, cho thấy nước mắm đã trở nên phổ biến như thế nào vào thời đó.

Ngoài ra, cách chế biến garum của họ thời ấy cũng khá đa dạng, có loại được chưng cất bằng cá nguyên con, loại khác chỉ dùng máu và nội tạng của cá. Những loại cá được sử dụng để chế biến garum chủ yếu là cá ngừ, cá thu, cá trống và cá mòi. Sau khi chưng cất xong, người ta sẽ cho thêm lá kinh giới cùng một số loại thảo dược khác vào để tăng hương vị và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.

Những chiếc bình đựng garum được khai quật tại tàn tích Pompeii.
Những chiếc bình đựng garum được khai quật tại tàn tích Pompeii.

Cũng giống như rượu vang, garum thời đó cũng có nhiều loại khác nhau và ở nhiều đẳng cấp khác nhau. Loại dành cho nô lệ thì rất rẻ, ai cũng mua được, trong khi đó giá của một chai garum thượng hảo hạng dành cho giới quý tộc có thể lên đến một số tiền tương đương với 500 đô (hơn 11 triệu đồng) ngày nay. Với hương vị thơm ngon đậm đà, garum được dùng để thay thế muối trong nấu ăn và làm nước sốt bằng cách kết hợp với mật ong, rượu vang, giấm, thảo dược và dầu.

Khi Đế chế La Mã sụp đổ cùng với sự tràn ngập của bọn cướp biển, sẵn sàng chém giết, đốt phá, công thức chế biến garum cũng từ đó mà biến mất ở Italia. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, có lẽ là thông qua việc giao dịch và trao đổi hàng hóa với người Trung Hoa trên Con Đường Tơ Lụa từ trước đó, nước mắm đã du nhập vào phương Đông, đầu tiên là tại Trung Hoa, sau đó lan dần đến Hàn Quốc, Nhật Bản, rồi đến khu vực Đông Nam Á trong vòng 1.000 năm sau đó.

Người Trung Quốc và Nhật Bản hiện tại dùng nhiều nước tương
Người Trung Quốc và Nhật Bản hiện tại dùng nhiều nước tương, nhưng không có nghĩa họ không còn dùng nước mắm nữa.

Tuy nhiên, nếu như ở Trung Quốc hay Nhật Bản, thói quen sử dụng nước mắm trong ẩm thực trở nên mai một dần sau thế kỷ 14 vì sự xuất hiện của nước tương (xì dầu) thì ở Đông Nam Á, truyền thống này vẫn được nối tiếp cho đến tận ngày nay, thậm chí ở mỗi đất nước và mỗi vùng miền, cách chế biến nước mắm cũng khác nhau. Hơn thế nữa, người ta còn sáng tạo ra nhiều loại mắm khác nhau để thay đổi khẩu vị và tăng thêm tính đa dạng cho bữa cơm hàng ngày, chẳng hạn ở Việt Nam có thêm mắm ruốc hay mắm nêm.

Hiện tại Đông Nam Á đang là khu vực sử dụng nước mắm rất nhiều trong ẩm thực
Hiện tại Đông Nam Á đang là khu vực sử dụng nước mắm rất nhiều trong ẩm thực, nhưng mỗi quốc gia lại có mỗi cách chế biến khác nhau.

Từ lâu, nước mắm Việt Nam đã vang danh khắp thế giới vì độ thơm ngon không đâu sánh bằng, và khi nói đến nước mắm, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến nước chấm. Một chén nước chấm được gọi là thơm ngon đến giọt cuối cùng nếu có thêm một chút tỏi, một chút ớt tươi, một chút đường, và một chút chanh. Nếu ăn các món hải sản hay đồ tanh, người ta có ngay chén nước mắm gừng. Nếu muốn ăn kèm báo bèo, bánh xèo hay các loại bánh bột khác, người ta có chén nước mắt ngọt ngâm dưa chua. Hoặc chỉ đơn giản là nếu muốn cảm nhận độ thơm ngon đậm đà của nước mắm nguyên chất, người ta chỉ cần dằm thêm trái ớt.

Dù không phải được người Việt phát minh ra nhưng từ biết bao đời nay, chén nước mắm đã trở thành món ăn gắn liền với mảnh đất và tâm hồn người Việt. Dù có đi đâu xa, người ta vẫn luôn nhớ và thèm đến thứ gia vị nồng ấm này và mong ngóng đến ngày trở về quê hương.

Cập nhật: 13/04/2018 Theo Yan
  • 3,33
  • 2.007