Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu sinh vật cổ địa chất Nam Kinh, Viện khoa học Trung Quốc, cho biết Trái Đất có thể đã bước vào thời kỳ đại tuyệt chủng các loài sinh vật lần thứ sáu.
Nhiều loài sinh vật sẽ biến mất trong cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6? (Nguồn: Internet). |
Hiện nay, tính đa dạng sinh vật trên Trái Đất đang bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng. Hàng năm đều có nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng.
Một số nghiên cứu ước tính, tốc độ tuyệt chủng sinh vật hiện tại là từ 10-100 loài/năm, và trong tương lai, tốc độ này có thể lên tới 1.000-10.000 loài/năm. Cũng có một số nghiên cứu chỉ ra tốc độ tuyệt chủng sinh vật trên thực tế chỉ bằng 40% so với kết quả nghiên cứu trước đó.
Tuy nhiên theo các nhà khoa học, bất luận là tốc độ tuyệt chủng sinh vật cụ thể là bao nhiêu thì tốc độ đó cũng đang vượt qua mức bình thường. Do vậy cần phải có biện pháp cấp bách để bảo vệ các loài sinh vật. Trước đó, Trái Đất đã từng trải qua năm lần đại tuyệt chủng sinh vật, trong đó có cuộc đại tuyệt chủng loài khủng long. Thời gian tiếp diễn của các cuộc đại tuyệt chủng tương đối dài, có thể vài trăm ngàn năm hoặc vài triệu năm.
Cuộc đại tuyệt chủng sinh vật lần thứ sáu kéo dài bao nhiêu năm, hiện tại vẫn rất khó dự đoán. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn năm cuộc đại tuyệt chủng trước kia, bao gồm núi lửa bùng phát, va chạm thiên thạch, mực nước biển hạ thấp...
Theo giới khoa học, các cuộc đại tuyệt chủng trước kia đều xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên, tuy nhiên trong cuộc đại tuyệt chủng sinh vật lần thứ sáu này, con người lại đóng vai trò ảnh hưởng chính.