Nghiên cứu mới từ các nhà khoa học từ ĐH Quốc gia Ireland ở Galway cho thấy cứ 4 con cá ngoài khơi Tây Bắc Đại Tây Dương thì có gần 3 con nhiễm nhựa độc.
Đáng ngại là tình trạng nguy hiểm này có thể ảnh hưởng tới những động vật và thậm chí cả con người ăn phải cá nhiễm độc.
Rác thải bừa bãi của con người có thể tìm đường xâm nhập các loại cá, từ đó có thể gây nguy hại cho chính con người. (Ảnh: STOCK).
Trang Daily Mail ngày 20/2 cho biết các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tổng cộng 233 con cá chết ở Tây Bắc Đại Tây Dương, kết quả cụ thể cho thấy 73% con cá từ độ sâu 600m nhiễm nhựa độc.
Trong số mẫu vật nghiên cứu này, một lượng lớn là những con cá nhỏ thường tìm thấy ở độ sâu từ 200-1.000m dưới mặt nước. Loại cá được gọi là cá tầng giữa này thường là mồi của cá ngừ, cá thu và các loại hải sản khác. Do đó, khả năng không nhỏ là những chất nhựa độc nói trên có thể bị truyền sang cho con người.
Theo người đứng đầu nghiên cứu, bà Alina Wieczorek, cá đáy biển thường ngoi lên mặt biển vào ban đêm để ăn các vi sinh vật trôi nổi và có vẻ như đó cũng là lúc chúng phơi nhiễm với các hạt nhựa.
"Ô nhiễm hạt nhựa là vấn đề hay được báo chí nhắc tới gần đây và một số chính phủ đang có kế hoạch cấm các hạt nhựa cứng trong mỹ phẩm và chất làm sạch" - bà Wieczorek cho hay.
Nữ chuyên gia còn cho biết thêm rằng tỉ lệ nhiễm hạt nhựa cao của loại cá tầng giữa trong nghiên cứu gây hậu quả trầm trọng tới sức khỏe của hệ sinh thái hải dương và chu trình sinh địa hóa nói chung.
Hạt nhựa là các viên nhựa nhỏ có kích thước 0,5mm có thể tích trong môi trường biển sau nhiều thập kỷ ô nhiễm. Các sinh vật biển ăn phải chất độc này có thể gặp phải những vấn đề đáng kể như viêm ruột, giảm ăn và giảm cân nặng.