Trẻ dễ gặp nạn ngay trong nhà mình

  •  
  • 239

Khi chập chững biết đi, trẻ rất hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh nên dễ bị thương tích trong chính ngôi nhà của mình trong những phút lơ đễnh của người chăm sóc. Phòng khách, nhà tắm, nhà bếp... đều là những nơi có thể xảy ra tai nạn.

Trong phòng khách

Phòng khách có nhiều đồ vật kích thích tính tò mò của trẻ. Không nên để phích nước sôi ngoài phòng khách, nếu có thì nên làm một cái hộp đựng và đặt vào một góc khuất để tránh tai nạn bỏng nước sôi.

Các dụng cụ điện như ti vi, radio, quạt... không được để cho trẻ nghịch; các phích cắm điện cần để ngoài tầm với của trẻ. Tất cả các phòng khác trong nhà cũng thực hiện như vậy. Ngoài ra, nếu những ổ cắm nào chưa dùng đến thì phải bịt kín lại bằng băng dính, đề phòng trường hợp trẻ nghịch cho que sắt vào ngoáy, sẽ bị điện giật.

Thuốc lá và bật lửa là những thứ mà trẻ rất thích nghịch. Vì thế, nên dập lửa của điếu thuốc ngay khi rời phòng khách, nhưng tốt nhất là không hút thuốc khi nhà có trẻ nhỏ. Với bật lửa, diêm quẹt, nên để ngoài tầm với của trẻ để phòng hỏa hoạn do trẻ nghịch lửa gây bỏng, cháy.

Trong nhà bếp

Bếp là nơi có nhiều vật dụng cho trẻ tìm hiểu nhưng cũng là nơi có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nên để xa tầm tay của trẻ các đồ vật dễ vỡ như cốc, tách, bát chén, những đồ nhọn như dao kéo, những đồ nặng như chày cối, những thức ăn dễ gây dị vật đường thở như các loại hạt đậu đỗ, lạc...

- Không để ghế hoặc những vật mà trẻ có thể leo lên leo xuống, các vật này có thể đổ, gây tai nạn gãy xương hoặc chấn thương cho trẻ.

- Khi đun nấu thức ăn, tay cầm các xoong, nồi phải quay vào trong để trẻ không thể với tới và làm đổ thức ăn nóng vào người gây bỏng. 

- Không đặt trẻ ngồi lên góc bếp xem mẹ nấu ăn dù là trong thời gian ngắn, càng không cho trẻ ở đấy để làm một việc gì đó thật nhanh vì trẻ có thể ngã hoặc cầm sờ vào những đồ vật nguy hiểm. Ngoài ra, trẻ có thể tưởng rằng đó là nơi sau này có thể trèo lên chơi.

- Không dắt hoặc bế trẻ khi đang cầm hoặc bê một vật nóng, nếu ngã do vướng hoặc vấp sẽ gây tai nạn cho cả người lớn và trẻ.

- Tránh để thức ăn nóng ở mép bàn thấp

- Lau khô những vũng nước trong nền nhà bếp để trẻ không bị trượt nước và té ngã.

Trong nhà tắm

- Không để gần trẻ những dụng cụ điện như máy sấy tóc, máy cạo râu, nếu có nước sẽ có nguy cơ bị điện giật.

- Không cho trẻ nghịch xà phòng, dầu gội, kem đánh răng... vì trẻ thường cho vào miệng nếm thử và bị ngộ độc. Không để trong tầm tay của trẻ dao cạo râu dễ gây tai nạn đứt tay.

- Không để nước trong xô chậu đề phòng trường hợp trẻ ngã úp mặt vào đưa đến những cái chết thương tâm do ngộp thở. Nếu muốn trữ nước thì các xô chậu này phải có nắp đậy.

Trong phòng ngủ

Giường ngủ của trẻ phải có vật chắn bao quanh, đề phòng trường hợp bị chấn thương do trong lúc ngủ trẻ lăn mình rơi xuống đất.

Xung quanh trẻ không nên để nhiều gối, phòng ngừa trường hợp bị ngạt trong lúc ngủ do gối đè.

Tuyệt đối không để các bao nylon gần chỗ trẻ nằm hoặc chơi vì trẻ có thể chui đầu vào bao và bị ngạt.

Một số điều cần lưu ý

Với thú nuôi trong nhà: Không để trẻ ở một mình với thú nuôi vì móng vuốt và răng của chúng có thể gây thương tích. Dạy cho trẻ không được chọc vào mắt, kéo tai hoặc đuôi của chó mèo. Thức ăn cho chó mèo phải để trong đĩa riêng, không đưa thức ăn cho chúng rồi rút giấu đi, không đến gần khi chúng đang ăn hay ngủ, không sờ vào thức ăn của chúng vì những tình huống này dễ bị “phản ứng”.

Không đến gần chó mèo con mới sinh vì mẹ của chúng dễ “phản ứng” lại để bảo vệ con. Không đến gần thú nuôi trong nhà khi chúng có biểu hiện lạ, hoặc đang cắn nhau.

Với đồ chơi: Trẻ có thể hít hay nuốt phải những chi tiết trong đồ chơi rơi ra. Do đó, phải thường xuyên kiểm tra các chi tiết của đồ chơi xem có thiếu không. Trẻ có thể nuốt phải pin trong đồ chơi, các loại pin có muối thủy ngân hoặc muối kali rất nguy hiểm, khi không dùng nữa phải cất kỹ hoặc vứt ngay không để rơi vãi trong phòng.

Với thuốc, mỹ phẩm, hoá chất: Tất cả phải để ngoài tầm tay của trẻ.

Về kiến trúc trong nhà: Ngăn ngừa những trò chơi nguy hiểm như tuột theo cầu thang, chui qua chấn song lan can gác dễ bị ngã.

Trẻ em bao giờ cũng thích nô đùa. Nếu ta cấm đoán các trò chơi của trẻ thì chúng sẽ trở nên thụ động, không hồn nhiên. Do vậy, các bậc cha mẹ nên luôn có ý thức cảnh giác cao những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho con em mình để đề phòng mà không ngăn cấm trẻ chơi. Cha mẹ có thể dành thời gian chơi với con, hướng dẫn cho con chơi và khi trẻ đã hiểu biết thì luôn giải thích và nhắc nhở về các hành động nguy cơ, để trẻ có thể tự tránh nguy hiểm cho mình.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 239