Theo nhà sản xuất vaccine Mỹ Sanofi Pasteur, trẻ em dưới 10 tuổi có thể cần tiêm hai liều vaccine phòng cúm A/H1N1 để được bảo vệ đầy đủ.
Nghiên cứu mới cho thấy, trẻ em dưới 10 tuổi cần hai liều vaccine phòng
cúm A/H1N1 (Ảnh Daily Nation)
Các quan chức Liên bang Mỹ cũng đồng ý với việc này: “Hai liều vaccine H1N1 sẽ phù hợp để tạo ra sự miễn dịch cho trẻ trong lứa tuổi này”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện nghiên cứu các bệnh dị ứng và truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nói.
Với trẻ em nhỏ tuổi hơn, việc bảo vệ từ một liều vaccine chủng ngừa là “vừa phải nhưng chưa đủ để phát huy khả năng dự phòng tối ưu”, ông nhấn mạnh.
Sanofi là hãng duy nhất được cấp phép tại Mỹ để sản xuất vaccine cúm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi.
Hãng này kết luận, kết quả từ một lần thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ với tiêm chủng vaccine H1N1 cho trẻ từ 6 tháng – 9 tuổi cho thấy, một liều có thể bảo vệ rất nhiều trẻ em nhưng “hai liều vaccine sẽ cần để được bảo vệ tối ưu”.
Những kết quả nghiên cứu trước đó từ vaccine cúm A/H1N1 của nhiều công ty sản xuất cho thấy, một liều đủ để bảo vệ tốt cho sức khoẻ người trưởng thành.
Phiên thử nghiệm lâm sàng được tiến hành với 474 trẻ em. Tuy nhiên, chỉ 50% số trẻ từ 6-35 tháng tuổi có khả năng bảo vệ đầy đủ sau khi được tiêm một liều, trong khi đó 76% số trẻ từ 3-9 tuổi được bảo vệ. Với người trưởng thành, có tới 98% có phản ứng của cơ thể chống lại chất lạ vào người khá tốt sau khi chỉ cần tiêm một liều vaccine.
Hiện có khoảng 25 công ty toàn cầu đang sản xuất vaccine H1N1.
Mỹ đã đặt hàng 195 triệu liều vaccine từ năm hãng dược phẩm: GlaxoSmithKline, Sanofi, Australia's CSL, MedImmune và Novartis. Với các đơn hàng mới từ Sanofi và MedImmune, số lượng vaccine lên tới hơn 250 triệu liều.
Trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ đã đưa ra kế hoạch tiêm chủng khoảng 160 triệu liều vaccine đầu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao gồm phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính (bệnh tim, hen suyễn và tiểu đường) cùng trẻ em trong độ tuổi tới trường.