Trồng rau sạch trên bọt núi lửa

  •  
  • 4.018

Bọt hay đá núi lửa (tên khoa học là puzơlan) không mấy giá trị, tưởng như chỉ dùng xây nhà cửa nhưng nay có thể dùng trồng rau sạch với nhiều ưu điểm. Theo TS Hoàng Mạnh Lâm - giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Đắc Nông, tại tỉnh này từng có nhiều núi lửa hoạt động ở các huyện như Đắc Mil, Đắc Song... nên nguồn nguyên liệu bọt núi lửa rất phong phú.

Nguồn đất đai sẽ ít đi, khí hậu diễn biến ngày một phức tạp, nhu cầu rau sạch của con người trở nên bức thiết trong tương lai. Nghĩ đến chuyện áp dụng trồng rau trên các giá thể (hợp chất để trồng cây) khác nhau thay thế cho đất lúc này là thời điểm thích hợp - ông Lâm giới thiệu. 

Củ cải được trồng trên giá thể bọt núi lửa cho kết quả tốt - (Ảnh tư liệu)

Chưa biết cách khai thác 

Theo nội dung đề án “Nghiên cứu sử dụng bọt núi lửa ở Đắc Nông làm giá thể vườn ươm và sản xuất rau sạch chất lượng cao” của Viện Di truyền nông nghiệp thì khu vực Tây nguyên là nơi từng tồn tại nhiều núi lửa hoạt động cách đây hàng ngàn năm.

Cần lưu tâm đến môi trường

Ông Nguyễn Quang Tuấn lưu ý việc khai thác bọt núi lửa trồng rau sạch là hoàn toàn khả thi nhưng cần cân nhắc tới một số vấn đề như tránh khai thác ồ ạt dẫn đến phá rừng, ngoài ra cần có biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật, thị trường cho nông dân. Ông Hoàng Mạnh Lâm cũng cân nhắc: cần khai thác một cách bền vững bởi đây là “kho vàng” có hạn.

Trong quá trình hoạt động phun trào, ở lưu vực các miệng núi lửa xuất hiện một lượng lớn bọt núi lửa được đông kết do dung nham, loại đá này khá nhẹ và có độ tơi xốp cao, có khả năng giữ ẩm tốt.

Các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện và khai thác loại đá này vào việc tạo giá thể cho vườn ươm, trồng rau sạch. Tuy nhiên, ông Hoàng Mạnh Lâm cho biết ở VN giá thể bằng bọt núi lửa chưa có tiền lệ. “Tôi cho rằng chúng ta đang ngồi trên một đống vàng mà chưa biết cách đào bới nó lên” - ông Lâm nói.

Giá thể bọt núi lửa sau khi được nghiền nhỏ, phối trộn với một số hữu cơ hỗn hợp khác như vỏ cà phê, xơ dừa, mùn cưa sẽ giúp tăng độ ẩm 40-50%. Cùng với hệ thống dẫn chất dinh dưỡng dưới dạng hòa tan, giá thể này có độ mùn lớn và sạch bệnh nên cây sinh trưởng rất an toàn mà không cần đến thuốc trừ sâu.

Thích hợp cho các loại cây có khả năng chống chịu kém như rau, hoa... phát triển. Ngoài ra, giá thể bằng bọt núi lửa có tính chất “trơ” nên có thể tái sử dụng khoảng mười năm mà không làm giảm tính chất như các giá thể khác. Quan trọng nhất là chi phí bỏ ra cũng thấp hơn nhiều so với việc sử dụng các giá thể khác để trồng rau nên từ nhà nông đến các cơ sở trồng rau quy mô đều có thể áp dụng, ông Lâm cho biết.

Nhiều ưu điểm hơn đất

Viện Di truyền nông nghiệp sau khi lấy mẫu bọt núi lửa tại một số ngọn núi lửa ở Đắc Nông đã đưa vào thí nghiệm tại vườn ươm của Công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa, Đắc Nông). 

Bọt núi lửa được tìm thấy ở khu vực núi lửa cũ thuộc xã Thuận An, huyện Đắc Mil (Đắc Nông) - (Ảnh tư liệu)

Sau một thời gian, các mẫu thí nghiệm đều cho kết quả ngoài mong đợi: các loại rau quả được chăm sóc trong điều kiện tốt nên không bị sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, sạch bệnh và đạt năng suất cao hơn rất nhiều so với sản phẩm được trồng trên đất và trên các giá thể khác.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khải - giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đắc Nông, đây là đề án hoàn toàn có khả năng áp dụng vào thực tế bởi hội tụ đủ yếu tố: nguồn nguyên liệu, tính khả thi, dễ áp dụng đối với các mô hình từ nhỏ đến lớn...

Còn ông Nguyễn Quang Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đắc Nông, phân tích: việc áp dụng trồng rau sạch bằng giá thể bọt núi lửa còn có thể tạo ra nguồn hàng mới cho nông dân Đắc Nông. Nếu áp dụng vào thực tiễn chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể đưa Đắc Nông thành vùng chuyên rau sạch quy mô.

Theo Thái Bá Dũng - Tuổi trẻ
  • 4.018