Trung Quốc: Đông y sẽ đi về đâu?

  •  
  • 1.819

Đối với đa số người Trung Quốc cũng như người dân nhiều nước châu Á khác, đông y đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Vậy mà hiện nay ở Trung Quốc đang dấy lên làn sóng kêu gọi xóa bỏ đông y, đề nghị chính phủ ngừng ủng hộ nghiên cứu và phát triển đông y. Vì sao?

Người khơi mào cho cuộc chiến “chống đông y” là nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Trương Công Diệu, làm việc ở Sở Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và xã hội của Trường ĐH Trung Nam, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Vai trò hàng ngàn năm của đông y tại Trung Quốc đang bị thử thách

Vai trò hàng ngàn năm của đông y tại Trung Quốc đang bị thử thách (Ảnh: TTO)

Trên blog của mình (http://zhgybk.blog.hexun.com/), ông kêu gọi xóa bỏ đông y và sửa điều 21 hiến pháp về việc khuyến khích phát triển y học truyền thống. Ông còn vận động chữ ký ủng hộ của những chuyên gia, học giả về y học. Một số thông tin nói rằng đã có trên 10.000 người tham gia ký tên, nhưng trong blog của ông Trương Công Diệu chỉ có khoảng 150 chữ ký.

Thật ra, việc tranh luận về ưu khuyết điểm của đông y đã rộ lên ở Trung Quốc từ năm 2000. Tuy nhiên, sự việc chỉ trở nên “nóng” gần đây khi ông Trương Công Diệu đăng một loạt bài viết trên blog của mình để phản đối đông y như “Chia tay đông y”, “Luận một lần nữa về sự chia tay đông y”,Phân tích nguyên nhân thất bại của việc khoa học hóa đông y...”. Ông còn kêu gọi những chuyên gia y tế ký tên để ủng hộ việc kêu gọi chính phủ xóa bỏ đông y khỏi chính sách nhà nước và sửa hiến pháp.

Ông Trương lập luận rằng y học cũng là khoa học, khoa học phải tiến bộ, thế nhưng từ vài nghìn năm trước đông y đã ngừng tiến bộ. Bởi thế hiện nay đông y vẫn mang hơi hướm ma thuật. Trong những bài đăng trên blog, ông Trương cho rằng đông y không phải là khoa học, vì người ta không thể xác định quan hệ nhân quả trong đông y, cũng không thể thể hiện bằng kinh nghiệm và sự thật.

Ông nói rằng từ trước đến nay, những nỗ lực nhằm khoa học hóa đông y đều đã thất bại, ví dụ nhân sâm được đông y xem là bài thuốc rất hiệu quả, nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học phương Tây, nhân sâm hoàn toàn không có hiệu quả y tế, chỉ là một loại thực phẩm an toàn bình thường thôi. Ông cho rằng ưu thế của đông y so với y học hiện đại thật ra chỉ là hiệu ứng thuốc trấn an tinh thần.

Ý kiến của ông Trương đã gây tranh cãi dữ dội trên mạng. Người ủng hộ việc từ bỏ đông y thì đưa ra những lập luận, bằng chứng cho thấy đông y chứa đựng nhiều khuyết điểm. Ví dụ, nhiều người đề cập đến việc một loại thuốc đông y bị phát hiện chứa thủy ngân nhiều gấp 117.000 lần tiêu chuẩn cho phép, và lấy việc này để chứng minh thuốc đông y cũng có tác dụng phụ.

Một sinh viên đông y viết một bài bình luận dài trong blog của ông Trương: “Tôi từng thực tập với một vị thầy thuốc đông y già, là nhà đông y cấp tỉnh. Mỗi ngày tôi chép tay đơn thuốc. Chưa đến ba ngày, tôi phát hiện thật ra ông ấy chỉ dùng lặp đi lặp lại một đơn thuốc”.

Ngược lại, những người ủng hộ đông y thì nói đông y không cần phải có y cứ như tây y. Dù nhiều lý luận của đông y không phù hợp với khoa giải phẫu và sinh lý học của phương Tây, dù người ta chưa viết ra được công thức của thành phần hữu hiệu của thuốc đông y..., nhưng như thế vẫn chưa đủ thuyết phục người Trung Quốc từ bỏ đông y.

Để cuộc tranh cãi này không đi quá xa, vào giữa tháng 10-2006, Bộ Y tế Trung Quốc đã tổ chức họp báo, tuyên bố bộ kiên quyết phản đối ngôn luận và hành vi kêu gọi xóa bỏ đông y và vận động chữ ký. Người phát ngôn của bộ nói những người kêu gọi xóa bỏ đông y thật là vô tri về lịch sử, xóa bỏ vai trò quan trọng mà đông y đang đóng góp trong cuộc sống.

Đông y sẽ đi đến đâu, đóng vai trò gì trong xã hội? Đó không chỉ là vấn đề y học mà còn chứa đựng nhiều yếu tố xã hội, văn hóa và chính trị. Cuộc tranh luận về việc giữ hay không giữ đông y hiện vẫn đang diễn ra gay gắt trên mạng, và cùng với sự phát triển của khoa học và sự nâng cao tri thức của người dân, có thể mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. 

CHÚC XIN (Bắc Kinh)

Theo Tuổi trẻ
  • 1.819