Trung Quốc phát hiện vật chất kỳ lạ ở vùng tối của Mặt trăng

Chất lạ giống gel trên Mặt trăng có thể là đá dăm kết
  •   52
  • 1.699

Kết quả phân tích dữ liệu của robot tự hành Thỏ Ngọc 2 cho thấy hợp chất tìm được ở vùng tối của Mặt trăng nhiều khả năng là đá tan chảy.

Các nhà khoa học Trung Quốc công bố kết quả phân tích một hợp chất lạ trên Mặt trăng do robot tự hành Thỏ Ngọc 2 phát hiện vào tháng 7/2019 trong khi khám phá vùng tối của Mặt trăng. Bức ảnh chụp hợp chất giống gel thu hút nhiều sự chú ý từ các chuyên gia nghiên cứu Mặt trăng. Nhà nghiên cứu Gou Sheng cùng cộng sự ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phân tích dữ liệu từ camera toàn cảnh và camera tránh chướng ngại vật của robot tự hành, cũng như Quang phổ kế Cận hồng ngoại và Ánh sáng khả kiến (VNIS). Họ sử dụng quá trình mang tên Spectral Unmixing để phân tách quang phổ đo được từ VNIS nhằm xác định thành phần và số lượng vật liệu.

Robot Thỏ Ngọc 2 chụp ảnh hợp chất ở vùng tối Mặt trăng.
Robot Thỏ Ngọc 2 chụp ảnh hợp chất ở vùng tối Mặt trăng. (Ảnh: Space).

Nhóm nghiên cứu mô tả vật liệu là dăm kết tan chảy do va chạm, màu xanh lá cây sẫm và sáng lấp lánh, dài 25 cm và rộng 16 cm. Dăm kết là mảnh vỡ của khoáng chất kết dính với nhau, hình thành do tác động từ lực va chạm lên lớp đất mặt của Mặt trăng. Vật liệu này rất giống mẫu vật dăm kết số hiệu 15466 và 70019 do tàu Apollo của NASA đem về Trái đất. Mẫu vật 70019 do phi hành gia kiêm nhà địa chất học Harrison "Jack" Schmitt thu thập cũng cấu tạo từ những mảnh vỡ khoáng chất sẫm màu và thủy tinh màu đen sáng lấp lánh. Tuy nhiên, Sheng và cộng sự không thể đưa ra kết luận chắc chắn do phân tích bị hạn chế bởi các phép đo của VNIS được tiến hành dưới điều kiện ánh sáng kém và nhiều yếu tố khác.

Dan Moriarty, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, cho biết tàu Hằng Nga 4 đang khám phá một khu vực hoàn toàn mới trên Mặt trăng, do đó phân tích quang phổ đặc biệt khó khăn. "Chúng tôi không có mẫu vật từ khu vực này để giúp các nhà nghiên cứu lập mô hình so sánh. Vì lý do này, kết quả nghiên cứu có thể không chính xác. Tuy nhiên, cách tiếp cận và lập giả định của nhóm tác giả nghiên cứu rất xuất sắc", Moriarty nói. Ông cũng cho rằng cách giải thích của các nhà khoa học Trung Quốc về hợp chất khá hợp lý.

Tính đến ngày 14/6, robot Thỏ Ngọc 2 đã chạy 15,58m trên bề mặt Mặt trăng. Robot này đang thám hiểm một miệng hố nhỏ chứa vật liệu phản xạ có thể là mẫu vật thủy tinh tan chảy do va chạm khác trước khi tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc.

Cập nhật: 09/07/2020 Theo VnExpress
  • 52
  • 1.699