Khi nói đến những điều bí ẩn của hành tinh này, trong vô thức ai cũng hướng về đất nước Brazil với cánh rừng Amazon kỳ vĩ. Bởi lẽ, đó là cánh rừng nguyên sinh lớn nhất thế giới, với hơn 400 bộ lạc đang sinh sống và phần lớn trong số đó đã không giao tiếp với thế giới bên ngoài trong suốt hơn 5 thế kỷ qua.
Nhưng bộ lạc bí ẩn nhất thế giới hiện nay lại chẳng thuộc về Amazon, mà là một bộ tộc tới từ Nhật Bản. Đó là tộc Ainu - hoặc Aynu, một nhóm dân tộc bản địa của xứ sở Mặt trời mọc. Họ có lịch sử tồn tại rất lâu đời, thậm chí người Trung Hoa so với họ vẫn còn được xem là non trẻ. Tuy nhiên, sự bí ẩn của bộ tộc này không phải bởi họ sống khép kín, mà là do khoa học đến tận giờ phút này vẫn... chẳng biết người Ainu từ đâu xuất hiện cả.
Sinh sống rải rác ở khu vực Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản với dân số vào khoảng 30.000 người, người Ainu là một dân tộc thiểu số được biết đến với bản sắc văn hóa độc đáo.
Không giống như người Nhật, người dân tộc Ainu có màu da sáng, đôi mắt tròn và sâu, tóc hơi quăn kiểu lượn sóng. Đàn ông Ainu có râu dày, cơ thể nhiều lông, dáng người cao to. Nhìn chung, họ có những đặc điểm gần với cư dân ở khu vực Kavkaz hiện đại.
Nguồn gốc của dân tộc Ainu đến nay vẫn là một bí ẩn. Trong lịch sử Nhật Bản, khoảng thời gian từ năm 10.000 đến năm 400 TCN được gọi là thời kỳ Jomon. Văn hóa Jomon được xem là nền văn hóa bản địa lớn đầu tiên của Nhật Bản. Nhiều học giả tin rằng người Ainu chính là hậu duệ của người Jomon hoặc có liên hệ với tộc người cổ này. Theo các công trình nghiên cứu, người Jomon và người Ainu có cấu trúc hộp sọ và khuôn mặt tương tự nhau.
Các mẫu DNA được lấy từ các mẫu xương cổ xưa cũng chỉ ra rằng người Jomon có nhiều điểm tương đồng về mặt di truyền với người Ainu. Trong khi đó, người Nhật Bản hiện đại lại có nguồn gốc từ sự hòa trộn của các cộng đồng di cư từ lục địa giai đoạn muộn hơn với người Jomon.
Ainu có lẽ là bộ tộc cổ xưa nhất tại châu Âu và châu Á.
Người Ainu xuất hiện tại Nhật Bản và Nga vào thế kỷ 13 trước Công nguyên (TCN). Ở giai đoạn này, châu Mỹ và châu Á thậm chí vẫn còn một dải đất nối liền 2 lục địa. Để bạn hiểu hơn về sự lâu đời của bộ tộc này, hãy làm một phép so sánh: kim tự tháp Ai Cập cổ nhất được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 27 TCN. Họ thậm chí gần như không giao thiệp với ai, ngoại trừ các bộ tộc khác xuất hiện cùng thời điểm. Hay nói cách khác, Ainu có lẽ là bộ tộc cổ xưa nhất tại châu Âu và châu Á.
Tộc Ainu trước kia có phần giống với người châu Âu, đôi nét giống với Mông Cổ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thật khó để phân biệt một người Ainu với cư dân Nhật Bản ngày nay. Nguyên do là bởi người Ainu thường bị phân biệt rất nặng nề ở Nhật, vậy nên họ quyết định phối ngẫu với người Nhật bản xứ ngày nay để đảm bảo rằng hậu duệ của mình được an toàn.
Ở thời điểm hiện tại, thật khó để phân biệt một người Ainu với cư dân Nhật Bản ngày nay.
Các nhà khoa học và sử học hiện tại vẫn chưa có câu trả lời về nguồn gốc của người Ainu. Có giả thuyết cho rằng họ liên quan đến người Bắc Âu. Cũng có ý kiến bày tỏ sự liên hệ của người Ainu với thời kỳ Jomon, hoặc tới từ biển Okhotsk (thuộc Thái Bình Dương), hoặc gắn với một số thời kỳ văn hóa khác của Nhật.
Người Ainu được mô tả khá giống... chân dung của đại văn hào Lev Tolstoy
Đàn ông tộc Ainus trước kia thường nuôi tóc dài (nhiều người bây giờ vẫn nuôi). Họ cũng có bộ râu dài, và chẳng bao giờ cạo đi cả.
Phụ nữ trong tộc thì nổi bật với những hình xăm ở vị trí cực "độc", được thêm mới thường niên. Từ năm 6 - 7 tuổi, họ xăm một đường lên môi trên và được làm dày thêm qua thời gian. Vậy nên nếu nhìn qua thì như thể cả bộ tộc đang mang nụ cười của... Joker (nhân vật phản diện trong DC) vậy.
Theo tín ngưỡng, hình xăm ấy là một phần nghi thức nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi những linh hồn tà ác xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng. Bên cạnh đó, khi hình xăm được làm dày đến mức thành... nụ cười, đó là dấu hiệu cho thấy một cô gái đã sẵn sàng tiến vào hôn nhân. Trong thế kỷ 19, việc xăm hình như vậy bị cấm bởi chính quyền Nhật Bản lâm thời, nhưng một số người vẫn lén lút thực hiện nó.
Hình xăm của phụ nữ Ainu được làm dày đến mức thành... nụ cười.
Người phụ nữ Ainu cuối cùng mang hình xăm "nụ cười" đã qua đời vào năm 1998. Dẫu vậy trong một vài sự kiện văn hóa của Nhật, vẫn xuất hiện những cô gái với nụ cười được vẽ lên mặt, nhằm tưởng niệm một nét văn hóa đã từng một thời hưng thịnh.
Bên cạnh hình xăm nụ cười, phụ nữ Ainu còn một vài hình xăm khác với hình thù khá đặc biệt, cũng để bảo vệ họ khỏi những điều xấu như bệnh tật và ma quỷ.
Thời điểm người Ainus xuất hiện tại các hòn đảo của Nhật Bản, họ vẫn sinh sống theo mô hình: săn bắt, đánh cá, hái lượm. Họ sống trong những túp lều khá đặc biệt, được gọi là chise. Gọi là lều, nhưng nó có thể khá lớn, lên tới 35m2 với bếp lửa nằm ngay chính giữa.
Trong văn hóa của người Ainu, gấu là loài vật rất quan trọng, bởi đó là nguồn lương thực chính. Đó cũng là lý do phong tục tâm linh của họ chủ yếu xoay quanh loài gấu. Thậm chí, hình tượng thần núi của người Ainu cũng mô phỏng theo hình dáng của gấu.
Người Nhật ngày nay phải cảm ơn người Ainu vì đã giúp cho văn hóa Samurai xuất hiện. Khi người Nhật tới đây và thành lập quốc gia, người Ainus vẫn tiếp tục sinh sống theo bộ lạc, thi thoảng đảo qua "hỏi thăm" hàng xóm bằng các phương pháp nhuốm màu bạo lực. Vậy nên sau vài thế kỷ, người Nhật thành lập quân đội bảo vệ biên giới phương Bắc, chính là tiền đề của văn hóa samurai.
Cách đây không quá lâu, lãnh thổ của người Ainu chiếm phần lớn diện tích của Hokkaido. Nhưng đến cuối thế kỷ 19, người Nhật bắt đầu mở rộng lãnh thổ. Điều này nảy sinh nhiều vấn đề. Một mặt người Ainu vẫn có đất riêng, không cần trả tiền thuế, xây dựng được cả trường học lẫn bệnh viện. Tuy nhiên, rất nhiều nghi lễ (đặc biệt là tập tục có phần bạo lực) của họ thì bị cấm. Hệ quả, các nét văn hóa đặc trưng của người Ainu mất dần. Bộ tộc đã tồn tại hàng ngàn năm đứng trước nguy cơ bị hòa tan, biến mất một cách toàn diện.
Mọi chuyện chỉ thay đổi vào thế kỷ 21, thời kỳ chứng kiến người Ainu quay trở lại. Năm 2008, chính phủ Nhật Bản xác nhận Ainu là một bộ tộc của quốc gia, đồng thời khuyến khích mọi người chấm dứt nạn phân biệt với họ. Năm 2019, bộ luật liên quan đến người Ainu chính thức được thông qua.
Trên thực tế, người Ainu có ảnh hưởng khá lớn tới văn hóa Nhật Bản ngày nay. Chẳng hạn như ngôn ngữ, có nhiều từ trong ngữ pháp Nhật Bản được lấy từ tiếng của người Ainu.
Phụ nữ tộc Ainu ngày nay.
Hiện tại, những người Ainu còn sót lại đang cố gắng khôi phục nét đặc trưng văn hóa của mình. Họ thậm chí còn có cả cờ riêng: Một lá cờ có nền xanh lam tượng trưng cho bầu trời và nước biển; một cánh cung màu trắng tượng trưng cho tuyết; và mũi tên có màu đỏ, tượng trưng cho loại độc thường được người Ainu sử dụng để tấn công kẻ thù (hiện tại đã bị chính phủ Nhật Bản nghiêm cấm sử dụng nó).
Lá cờ có nền xanh lam tượng trưng cho bầu trời và nước biển.