Trung Quốc phóng cùng lúc 6 vệ tinh

  •  
  • 300

Vụ phóng hôm 7/12 lập kỷ lục mới cho ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc về khả năng phóng vệ tinh quỹ đạo.

Vào lúc 4h52 chiều hôm qua theo giờ địa phương, Trung Quốc đã phóng cùng lúc sáu vệ tinh vào không gian, bao gồm HEAD-2A, HEAD-2B, Spacety-16, Spacety-1, Tianqi-4A và Tianqi-4B từ Trung tâm phóng Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây. Chúng được gắn trên đỉnh của tên lửa đẩy Kuaizhou-1A (KZ-1A) và đi vào quỹ đạo theo đúng kế hoạch.

Tên lửa Kuaizhou-1A mang sáu vệ tinh lên quỹ đạo.
Tên lửa Kuaizhou-1A mang sáu vệ tinh lên quỹ đạo. (Ảnh: China News).

Đây là lần phóng thứ hai, trong vòng chưa đầy sáu tiếng, từ Trung tâm phóng Thái Nguyên, đánh dấu bước đột phá trong khả năng phóng nhanh và phóng khẩn cấp vệ tinh của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc. Trước đó vào lúc 10h55 sáng, một tên lửa KZ-1A khác cũng đưa thành công vệ tinh Jilin-1 Gaofen 02B lên quỹ đạo.

HEAD-2A và HEAD-2B là hai vệ tinh đầu tiên của tổ hợp Skywalker Constellation được phát triển bởi Công ty Công nghệ Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh. Chúng sẽ cung cấp cho người dùng toàn cầu các dịch vụ như quan trắc môi trường, tăng cường thông tin liên lạc khẩn cấp và thu thập thông tin trên máy bay, tàu thuyền.

Được phát triển bởi công ty Spacety có trụ sở tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Spacety-16 và Spacety-17 là các vệ tinh viễn thám micro-nano độ phân giải trung bình, chủ yếu được sử dụng trong phòng chống thiên tai, viễn thám và quan trắc môi trường vùng cực.

Hai vệ tinh còn lại là Tianqi-4A và vệ tinh Tianqi-4B được phát triển bởi một công ty công nghệ cao có trụ sở ở Bắc Kinh. Chúng là những vệ tinh quỹ đạo thấp, cung cấp các dịch vụ như truyền dữ liệu Internet Vạn vật toàn cầu, thông tin liên lạc khẩn cấp và theo dõi tài nguyên.

KZ-1A là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn giá rẻ với độ tin cậy cao và thời gian chuẩn bị ngắn. Chúng được phát triển bởi Tổng công ty Hàng không vũ trụ Khoa học và Công nghiệp Trung Quốc, chủ yếu được sử dụng để phóng các vệ tinh quỹ đạo thấp.

Cập nhật: 09/12/2019 Theo VnExpress
  • 300