Trung Quốc tiết lộ bí mật một trong những nơi sâu nhất Trái đất

  •  
  • 791

Rãnh Kermadec nằm ở phía bắc New Zealand, thuộc Thái Bình Dương và được coi là một trong những nơi sâu nhất thế giới. Từ trước đến nay, rất ít người từng đặt chân tới đây.

Tháng trước, nhóm nghiên cứu quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu đã lần đầu tiên thực hiện cuộc thăm dò rãnh Kermadec nhằm thu thập các mẫu đá, trầm tích, mẫu sinh học, nước biển phục vụ phân tích trong phòng thí nghiệm.

Ông Peng Xiaotong, công tác tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Biển Sâu (IDSSE) ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, còn có khoảng hơn mười nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, đại học tại Trung Quốc và hai nhà sinh học biển từ Viện Nước và Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia New Zealand (NIWA) tham gia dự án.

Ông Peng cho biết đây là cơ hội để khám phá tính đa dạng của hệ thống sinh thái, địa chất tại rãnh Kermadec.

Nhóm nghiên cứu thực hiện chuyến thám hiểm rãnh Kermadec bằng tàu lặn do Trung Quốc sản xuất.
Nhóm nghiên cứu thực hiện chuyến thám hiểm rãnh Kermadec bằng tàu lặn do Trung Quốc sản xuất. (Ảnh - NIWA).

Nhóm nghiên cứu sử dụng tàu lặn Fendouzhe hay còn gọi là Striver để lặn sâu xuống rãnh Kermadec. Đây là loại tàu lặn biển sâu, có sức chứa 3 người từng được sử dụng trong chuyến thám hiểm rãnh Mariana - rãnh đại dương sâu nhất trên Trái đất vào năm 2020.

Ông Daniel Leduc, một trong hai nhà khoa học tại viện NIWA tham gia chuyến khám phá rãnh Kermadec trên tàu Fendouzhe, cho biết đây là cơ hội hiếm có bởi không dễ để đi xuống rãnh đại dương nằm rất sâu dưới mực nước biển này và thu thập mẫu nghiên cứu.

Đây là lần đầu tiên ông Leduc được ngồi trong tàu lặn. Nhà khoa học cho rằng tàu Fendouzhe là một trong những tàu lặn tốt nhất thế giới để thu thập mẫu nghiên cứu bởi tàu có khả năng lặn sâu xuống đáy biển và ở lại đây trong khoảng thời gian dài cũng như trang bị nhiều thiết bị thu thập mẫu vật.

Trên đường thám hiểm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện rất nhiều điểm bất ngờ như nhìn thấy những sinh vật biển kỳ lạ và hiếm thấy, trong đó có một con cá quỷ anglerfish màu đỏ bơi lộn ngược.

Đi sâu hơn, họ nhìn thấy nhiều động vật nhỏ hơn dọc theo đáy biển, chẳng hạn như hải sâm, hải quỳ, sứa và những sinh vật khác nhỏ đến mức khó nhìn thấy bằng mắt thường. Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu bùn để sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi điện tử.

Leduc cho biết, nhỏ bé là một lợi thế lớn đối với các sinh vật biển sống trong các rãnh sâu, vì ở khu vực này không có nhiều thức ăn, các cơ thể nhỏ bé cũng có khả năng sống sót tốt hơn nếu xảy ra các trận động đất và lở đất.

 Ảnh chụp đáy biển tại rãnh Kermadec.
Ảnh chụp đáy biển tại rãnh Kermadec. (Ảnh - IDSSE).

Nhóm nghiên cứu đã dành 6 giờ để khảo sát đáy rãnh, thu thập các mẫu động vật và lõi trầm tích bằng cách sử dụng các thiết bị trên cánh tay robot của tàu lặn.

Sau thời gian nghỉ ngắn và tiếp tế, tàu Fendouzhe đã quay trở lại rãnh Kermadec trong giai đoạn hai của chuyến thám hiểm và sẽ ở lại khu vực tới Giáng sinh.

Giai đoạn tiếp theo của dự án là phân tích các mẫu thu thập được. Ông Leduc cho biết viện NIWA sẽ giữ phần lớn mẫu vật bởi chúng được lấy từ vùng biển New Zealand. Viện IDSSE cũng sẽ mang một số mẫu đá về Trung Quốc. Khi hoàn tất phân tích, dữ liệu sẽ được chia sẻ tới các nhà khoa học Trung Quốc và New Zealand.

Qua chuyến thám hiểm này, ông Leduc nhận thấy, đáy đại dương vô cùng yên bình. Nhiều người nghĩ rằng biển sâu là một nơi kỳ lạ, hoặc thậm chí đáng sợ nhưng “trên thực tế, chúng tôi mới là những kẻ đáng sợ với chiếc tàu lặn lớn và đèn chiếu sáng, động cơ và cánh tay robot - lấy mẫu các loài động vật đã sống ở đó hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu năm”.

Cập nhật: 15/12/2022 Baogiaothong
  • 791