Tương lai của kỹ thuật nano

  •  
  • 618

Theo ước tính của các nhà khoa học, từ năm 2006 trở đi, các sản phẩm từ kỹ thuật nano (kỹ thuật siêu nhỏ) sẽ đáng giá hơn 1.000 tỷ USD. Đó có thể là những quả bóng tennis làm bằng sợi nano, mỹ phẩm, robot thám hiểm tế bào người, sợi carbone chắc hơn thép 100-160 lần, đĩa mềm siêu cứng và siêu nhỏ, có thể lọt tõm vào vỏ trứng gà…

Những ống nano nhỏ như sợi tóc sẽ xuất hiện năm 2006

Năm 1959, giáo sư Richard Feynman thuộc Viện kỹ thuật Massachussets (MIT) đề ra một thuyết táo bạo: “Thay vì phân chia vật chất, tai sao chúng ta không đi vào cái vô cùng nhỏ?”. 10 năm sau, snh viên Eric Drexler nghĩ ra thuật ngữ nanotechnology. Năm 1985, hai nhà nghiên cứu Gerd Binnig (Đức) và Heinrich Rohrer (Thuỵ sĩ) tạo ra kính hiển vi có khả năng nhìn những vật chỉ nhỏ bằng 1/25 kích thước phân tử và họ đã đoạt giải Nobel một năm sau đó. Nhưng năm 1990, một nhà nghiên cứu của hãng IBM là Don Eigler mới đạt được những thành công từ kỹ thuật nano, cụ thể là vẽ lại biểu tượng của nhiều công ty bằng những dạng vật chất siêu nhỏ và kỹ thuật siêu nhỏ.

Nhiều ứng dụng từ kỹ thuật mới này như: những phân tử polyme siêu nhỏ và siêu bền được dùng để chế tạo ván trượt tuyết, giúp trượt dễ hơn. Quần áo của các vận động viên hay nhà thám hiểm cũng được dệt từ loại sợi nano siêu kín và siêu mỏng, chống chọi tốt với cái lạnh khắc nghiệt của vùng cực hay đỉnh Everest. Dầu hay kem dưỡng da từ nano sẽ giúp da chống lại tia cực tìm một cách hữu hiệu.

Công ty Mitsubishi đã đầu tư hơn 100 triệu euro cho nano đến năm 2007 nhằm tạo ra những loại sợi carbone nhỏ chắc hơn thép 100 lần và nhẹ hơn thép đến 6 lần. Tạp chí Asiaweek nhận định rằng thị trường nano chưa bùng nổ sớm tại châu Á, nhưng Trung Quốc không muốn thua kém Nhật và Ấn Độ khi cho đầu tư hàng chục tỷ USD cho việc xây dựng một phòng thí nghiệm kỹ thuật nano tại Thượng Hải.

Thị trường nano có lẽ được phát triển nhiều trong điện tử và y học hơn là sản phẩm gia dụng. Nhưng một lĩnh vực mới đang hình thành: thành lập công ty chuyên về nano, thay vì chỉ là một phân ban của một trường đại học hay công ty nào đó. Chỉ riêng trong năm qua, đã có hơn 3 tỷ euro được chi ra cho những nhà nghiên cứu nano thượng thặng. Người Mỹ hy vọng nano sẽ có nhiều ứng dụng triệt để cho cán bộ y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông và cả tư pháp. Ngay NASA cũng đang nghĩ đến việc giảm bớt khối lượng hành lý cho phi công vũ trụ vì hiện nay, mỗi người phải mang đến 150kg hành lý mỗi chuyến bay.

Ngọc Phúc

Theo SGTT
  • 618