Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

  •  
  • 20.995

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á- Thái Bình Dương (IAP), từ năm 2001 đến năm 2005, tổng sản phẩm (GDP) của ngành nông- lâm- thủy sản TP Cần Thơ tăng từ trên 1.300 tỉ đồng lên gần 2.700 tỉ đồng; giá trị sản xuất tăng từ 2.055 tỉ đồng lên 3.800 tỉ đồng. Một trong những yếu tố quan trọng để có được kết quả trên là ngành nông nghiệp đã tích cực đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất.

Sức bật cho sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, phương thức chuyển giao KHCN đến nông dân được áp dụng phổ biến là tổ chức điều tra mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn thành phố để nhân rộng những mô hình này. Đồng thời, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng KHCN tiến bộ để phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo. Đây cũng là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng.

Ở lĩnh vực trồng trọt, từ năm 2002 đến 2005, các cơ quan khuyến nông từ thành phố đến cơ sở đã triển khai 21 loại mô hình kỹ thuật tiến bộ với trên 4.300 điểm trình diễn. Trong đó, mô hình nhân giống lúa chất lượng cao được thực hiện liên tục qua các năm, góp phần cung cấp giống lúa chất lượng cao cho sản xuất đại trà. Mô hình trồng cây ăn quả như xoài cát Hòa Lộc, cây có múi sạch bệnh, góp phần mở rộng diện tích cây ăn quả trong thành phố. Mô hình luân canh lúa- màu hoặc lúa- màu- thủy sản ngày càng phổ biến, giúp nông dân thay đổi tập quán độc canh cây lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với sự tác động từ cán bộ khuyến nông và hiệu quả kinh tế của những mô hình luân canh lúa- màu, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, đã mạnh dạn chuyển đổi thói quen chuyên canh 3 vụ lúa/ năm sang trồng 1 vụ lúa- 2 vụ màu. Năm 2005, ông trồng 1 vụ lúa, 2 vụ dưa hấu và sử dụng màng phủ nông nghiệp. Tổng lợi nhuận mà ông Chiến thu được là 12,6 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với trồng 3 vụ lúa. Riêng vụ xuân hè 2006, ngoài diện tích 3.900m2 đất nhà, gia đình ông thuê thêm 2.600m2 để trồng dưa hấu và đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng.

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng khổ qua, nhiều nông dân đã nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. (Ảnh: Kim Xuân)

Không chỉ nhân rộng những mô hình hiệu quả, ngành trồng trọt còn triển khai đồng bộ các kỹ thuật tiến bộ về giống, dinh dưỡng, kỹ thuật bảo vệ cây trồng… Trong đó, chương trình “3 giảm, 3 tăng” đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa: giảm lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất lúa theo hướng bền vững, ổn định và khoa học. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ, đến nay, khoảng 30% nông dân ứng dụng qui trình phòng trừ tổng hợp (IPM) trong sản xuất cây có múi. Thành phố đã xây dựng 3 vùng sản xuất rau an toàn từ năm 2003 với tổng diện tích 200 ha và hiện nay, diện tích trồng rau an toàn lên đến khoảng 500 ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, KHCN được ứng dụng để tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng công nghệ lên men sinh học để ủ chua thức ăn, tăng giá trị dinh dưỡng; phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm… Chương trình Sind hóa đàn bò là một trong những chương trình tiêu biểu. Từ năm 2001-2005, chương trình được đầu tư trên 140 tỉ đồng. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trọng lượng của bò thịt lai Sind tăng cao, lợi nhuận cao hơn bò ta từ 1-2 triệu đồng/con, bê con của bò lai Sind cũng có giá bán cao hơn từ 1-2 triệu đồng/con so với bê ta. Ngoài ra, số lượng bò sữa ngày càng phát triển, tạo nguồn sữa ổn định cung cấp cho thị trường và giúp người nuôi cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, ngành thủy sản của thành phố cũng có những bước phát triển vượt bậc. Trong 5 năm qua, mỗi năm, tốc độ phát triển của thủy sản luôn tăng trên 10%. Trong các mô hình nuôi thủy sản tại Cần Thơ, mô hình nuôi tôm càng xanh đang phát triển rất mạnh với diện tích nuôi trên 300 ha. Để đáp ứng nhu cầu con giống ngày càng cao trong khi nguồn tôm giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, Trung tâm Giống Nông nghiệp Cần Thơ đã tổ chức chuyển giao qui trình sản xuất giống tôm càng xanh theo qui trình “nước trong- hệ hở” cho 20 hộ dân sản xuất giống tôm càng xanh. Qua đó, xây dựng 10 trại tư nhân để sản xuất tôm giống, với vốn đầu tư trang thiết bị và nguyên liệu là 30 triệu đồng/trại. 40 kỹ thuật viên được đào tạo để phục vụ cho hoạt động sản xuất của các trại. Kết quả, 10 trại đã tiến hành sản xuất giống tôm càng xanh đạt tiêu chuẩn, cung cấp con giong có chất lượng cho người nuôi trong thành phố và các tỉnh lân cận.

Những thách thức

Bên cạnh những kết quả khả quan, ngành nông nghiệp thành phố vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á- Thái Bình Dương (IAP), đơn vị hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong quá trình chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, chính sách đầu tư cho nông nghiệp chưa thỏa đáng. Năm 2000, vốn đầu tư phát triển ngành nông- lâm nghiệp trên 167 tỉ đồng nhưng đến năm 2005, giảm xuống còn trên 45 tỉ đồng.

Hỗ trợ của Trung ương đối với chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế, chưa thúc đẩy việc phổ biến và áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng trong khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Mặt khác, qui mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn, ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chất lượng nước mặt ngày càng bị ô nhiễm, hạn chế phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Việc liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, khoa học, doanh nghiệp, nông dân) phục vụ, nghiên cứu sản xuất chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao...

Ông Hà Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ, cho rằng: “Tầm nhìn của nông dân còn hạn hẹp, còn trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Lực lượng cán bộ khuyến nông tại các xã còn mỏng, trình độ chưa cao nhưng đảm nhiệm quá nhiều việc. Việc bao tiêu sản phẩm còn hạn chế khiến nông dân khó tìm đầu ra khi sản xuất nông sản với khối lượng lớn”. Còn theo thạc sĩ Bùi Phương Mai, cán bộ Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, thời gian qua, có những mô hình áp dụng tiến bộ KHCN rất thành công nhưng khó mở rộng ra sản xuất đại trà do hạn chế nguồn vốn. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ chuyển giao kết quả của các dự án đã kết thúc vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng.

Các cơ quan chức năng đều cho rằng: Trong giai đoạn phát triển mới, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm... Mặt khác, thành phố nên có chiến lược đào tạo, nâng cao trình độ và phân bổ biên chế hợp lý cho cán bộ khuyến nông ở các địa phương, nhất là mạng lưới cán bộ khuyến nông ở các xã, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp.

LỆ THU

Theo Báo Cần Thơ
  • 20.995