Vaccine Covid-19 từ ĐH Oxford cho thấy dấu hiệu chống lại được virus

  •  
  • 303

Kết quả thử nghiệm trên người của loại vaccine do đại học Oxford kết hợp phát triển cho thấy dấu hiệu chống lại được virus SARS-CoV-2.

Vào ngày 20/7, nhóm nghiên cứu vaccine của công ty AstraZeneca kết hợp với đại học Oxford đã đăng tải những kết quả ban đầu trong thử nghiệm vaccine trên cơ thể người.

Tín hiệu tích cực là các kết quả cho thấy loại vaccine đã tạo ra phản ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2, đồng thời cũng đạt một số tiêu chí an toàn. Kết quả này được đăng tải trên tạp chí y học The Lancet.

Đây mới là giai đoạn thử nghiệm trên người đầu tiên của vaccine do đại học Oxford kết hợp phát triển. Vaccine này tạo ra kháng thể trong vòng 28 ngày và tế bào bạch cầu sau 14 ngày. Kháng thể xuất hiện trong phần lớn người thử nghiệm chỉ sau một lần tiêm, và sau hai lần tiêm thì xuất hiện trên mọi người tình nguyện.

Một nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm vaccine của Oxford/AstraZeneca tại Brazil.
Một nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm vaccine của Oxford/AstraZeneca tại Brazil. (Ảnh: Reuters).

"Hệ miễn dịch có hai cách để tấn công những kẻ xâm nhập là kháng thể và bạch cầu. Vaccine này được tạo ra để kích thích cả hai phản ứng, nhờ vậy có thể loại bỏ virus cả khi nó đã lưu thông trong cơ thể hay khi tấn công vào các tế bào", Tiến sĩ Andrew Pollard, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

"Chúng tôi hi vọng kết quả sẽ cho thấy rằng hệ miễn dịch đã nhớ được các đặc điểm của virus, nhờ đó vaccine có hiệu lực lâu hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải làm thêm một số nghiên cứu trước khi có thể kết luận vaccine chống virus SARS-CoV-2 hiệu quả, và thời gian có hiệu lực chính xác là bao lâu", ông Pollard nói thêm.

Vaccine của đại học Oxford đã được thử nghiệm trên 1.077 người ở độ tuổi từ 18-55, chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó và thực hiện tại 5 bệnh viện của Vương quốc Anh từ cuối tháng 4. Phần lớn người thử nghiệm không có phản ứng phụ nguy hiểm, chỉ cảm thấy mệt mỏi hoặc đau đầu. Một số người cho biết bị đau ở vết tiêm, sốt cao.

Do đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ cần phải tiến hành thêm 2 giai đoạn nữa trước khi có thể kết luận chính xác về vaccine. Ở giai đoạn 2, thử nghiệm lâm sàng được mở rộng với nhiều đối tượng hơn, còn giai đoạn 3 thì số lượng người thử nghiệm là hàng nghìn người.

Các giai đoạn thử nghiệm sau đang được tiến hành tại Anh, Brazil và Nam Phi. Vào tháng 8, thử nghiệm có thể được thực hiện tại Mỹ.

"Đây là những kết quả tích cực, nhưng còn rất dài mới có thể kết luận. Đây mới chỉ là nghiên cứu cho giai đoạn đầu tiên. Chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu với quy mô lớn hơn, nhưng nhận được các dữ liệu tích cực và nhiều vaccine đi vào giai đoạn thử nghiệm sau là điều rất tuyệt", Tiến sĩ Mike Ryan của WHO nói với CNN.

Theo Tổ chức y tế thế giới, hiện có 23 loại vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm trên toàn thế giới.

Cập nhật: 22/07/2020 Theo Zing
  • 303