Vaccine phải được vận chuyển như thế nào để đảm bảo an toàn?

  •  
  • 302

Vaccine là một trong những sản phẩm cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ, một phần vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, và vì nó lại dễ hư hỏng do nhiệt độ. Do đó vấn đề bảo đảm ổn định nhiệt độ trong suốt quá trình cần phải có một giải pháp vận chuyển vaccine theo yêu cầu bắt buộc nếu muốn duy trì thành công dây chuyền lạnh của nó.

Để đảm bảo vaccine luôn được bảo quản ở nhiệt độ từ +2 độ C đến +8 độ C, vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ theo đúng quy định. Việc bảo quản vận chuyển vaccine ở nhiệt độ không thích hợp trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tới chất lượng của vaccine như làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vaccine hoặc có thể gây ra phản ứng tại chỗ tiêm.

Bảo quản vaccine ở nhiệt độ lạnh

Vaccine cần được lưu trữ và bảo quản, vận chuyển đúng cách từ khi sản xuất đến khi sử dụng. Đảm bảo chất lượng vaccine và duy trì chuỗi nhiệt độ lạnh là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối, trung tâm tiêm chủng và nhân viên y tế. Dây chuyền lạnh bảo quản vaccine cần đảm bảo nhiệt độ được khuyến nghị là:

  • Tủ đông: Trong khoảng từ -58 ° F đến + 5 ° F (giữa -50 ° C đến -15 ° C)
  • Tủ lạnh: Trong khoảng từ 35 ° F đến 46 ° F (giữa 2 ° C và 8 ° C), trung bình: 40 ° F (5 ° C)

Mỗi trung tâm vaccine nên lưu lại các hoạt động lưu trữ và vận chuyển vaccine bằng văn bản công việc chi tiết và cập nhật hàng năm.

Mất điện hoặc thiên tai không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến giảm chất lượng vaccine. Chất lượng vaccine cũng có thể giảm xuống do bị lãng quên trên giá đựng thuốc, bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp. Liên hệ với nhà sản xuất vaccine hoặc cơ sở y tế địa phương để có hướng giải quyết phù hợp với các lọ vaccine nghi ngờ bị giảm chất lượng.

Mỗi lần vận chuyển sẽ làm tăng nguy cơ giảm chất lượng vaccine, do đó, CDC khuyến nghị không nên vận chuyển vaccine thường xuyên mà chỉ nên vận chuyển trong trường hợp cần thiết. Trước mỗi lần vận chuyển, cần chuẩn bị trang thiết bị đầy đủ, lường trước để đề phòng các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn vaccine. Số lượng vaccine và thời gian vận chuyển phải được giới hạn an toàn (tối đa là 8 giờ).

Làm sao vận chuyển vaccine Pfizer ở âm 70 độ C?

Hãng Pfizer vừa công bố sự thành công của vaccine chống covid-19, tuy nhiên vaccine của Pfizer phải trữ đông ở nhiệt độ -70 độ C, là thách thức lớn chưa từng có trong việc phân phối đến các nước châu Á, đặc biệt là những nước nóng ẩm.

Các chuyên gia y tế không phủ nhận vaccine của Pfizer và BioNTech hiệu quả phòng ngừa đến 90% là bước đột phá của cuộc đua vaccine Covid-19. Song, họ cảnh báo vaccine không thể đẩy lùi đại dịch ngay tức khắc, đặc biệt là khi chúng cần được bảo quản siêu lạnh, ở nhiệt độ -70 độ C.

Giống các sản phẩm từ thịt và sữa, cấu trúc hóa học của vaccine được duy trì trong nhiệt độ nhất định. Thông thường hãng dược sẽ nghiên cứu và tìm ra ngưỡng nhiệt lý tưởng để bảo quản các liều tiêm sau khi hoàn thành toàn bộ thử nghiệm. Tuy nhiên, với tình hình đại dịch căng thẳng hiện nay, cộng với yêu cầu nghiên cứu phát triển nhanh vaccine, quá trình này gặp nhiều khó khăn.

Việc vận chuyển vaccine trong môi trường bảo quản siêu lạnh, đến các quốc gia châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh trở thành thách thức. Với khí hậu nhiệt đới và lượng tủ đông lạnh ít, khu vực này không kỳ vọng nhiều vào vaccine Pfizer. Tại bệnh viện và trung tâm y tế, số lượng kho chứa chuyên dụng vô cùng hạn chế. Tủ siêu lạnh khá hiếm hoi, bởi chúng không cần thiết đối với vaccine và thuốc men thông thường. Các liều tiêm thủy đậu là một trong số ít loại cần được bảo quản ở điều kiện dưới 0 độ C. Yêu cầu giữ nguyên "dây chuyền đông lạnh" trong quá trình giao hàng đến các vùng nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên FedEx xử lý đá khô trong kiện hàng vaccine.
Nhân viên FedEx xử lý đá khô trong kiện hàng vaccine. (Ảnh: NY Times).

Pfizer cho biết họ đã đề ra kế hoạch hỗ trợ việc vận chuyển, bảo quản vaccine và theo dõi nhiệt độ liên tục. "Chúng tôi đã phát triển và cải tiến bao bì, thùng chứa để phù hợp với điều kiện của từng địa điểm tiêm chủng", hãng nói.

Để bảo quản vaccine của mình, Pfizer tạo ra loại hộp lạnh kích thước bằng một chiếc vali, có thể chứa từ 1.000 đến 5.000 liều trong 10 ngày, sau đó phải bổ sung thêm đá khô. Sau khi rã đông, lọ dịch tiêm sẽ được bảo quản trong tủ lạnh lâu nhất là hai ngày. Hãng cũng tìm cách cho ra đời vaccine dạng bột, có thể cất giữ trong điều kiện nhiệt độ cao hơn.

Hộp trữ đông và vận chuyển vaccine của Pfizer.
Hộp trữ đông và vận chuyển vaccine của Pfizer. (Ảnh: Pfizer).

McKesson, một công ty phân phối thuốc lớn, đã giành được hợp đồng cung cấp vaccine của cả Pfizer và Moderna. Song phần lớn khâu vận chuyển thuộc về những đơn vị ngoài ngành y tế và thực phẩm, như UPS hay FedEx. Họ có hệ thống tủ đông thường dùng để đưa thực phẩm, vật tư y tế; họ có kinh nghiệm phân phối vaccine cho các bệnh khác như cúm mùa.

UPS tạo ra những "trang trại cấp đông" ở Louisville, Mỹ, có thể lưu trữ hàng triệu liều vaccine ở nhiệt độ cực lạnh. Việc xây dựng hẳn một nhà kho đông lạnh tương đối tốn kém. Vì vậy, để duy trì tình trạng âm độ của trại, công ty kê hàng loạt dãy tủ đông công nghiệp, mỗi tủ đủ chứa khoảng 48.000 lọ vaccine. Đến nay, UPS có 70 tủ đông. Sức chứa của toàn kho lên đến vài trăm chiếc. Hệ thống tương tự cũng đang hoạt động tại Hàn Lan.

Wes Wheeler, người đứng đầu bộ phận chăm sóc sức khỏe của UPS, cho biết: "Tôi chưa từng thấy điều gì có quy mô toàn cầu như vậy trước đây".

Tại FedEx, việc chuẩn bị phân phối vaccine do Richard Smith, con trai nhà sáng lập Fred Smith, điều hành. Công ty từng có kinh nghiệm làm việc với vaccine H1N1 năm 2009. Ông Smith cho biết vào thời điểm đó, chính phủ Mỹ yêu cầu FedEx chuẩn bị hỗ trợ vận chuyển. Công ty phải tăng gấp đôi số lượng tủ đông lạnh toàn cầu.

"May mắn thay, H1N1 không đạt đến mức đại dịch mà chúng tôi ước tính. Nhưng điều này vẫn cho phép chúng tôi củng cố cơ sở hạ tầng cấp đông của mình", ông nói.

Hiện, hãng đã bổ sung tủ đông để có thể duy trì bảo quản vaccine ở mức -80 độ C

Những quốc gia thu nhập cao hơn như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng. Fumie Sakamoto, Giám đốc khoa Nhiễm trùng Bệnh viện Quốc tế St. Luke tại Tokyo, cho biết: "Việc bảo quản vaccine sẽ là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Tôi không chắc chính phủ đã chuẩn bị thế nào để duy trì dây chuyền lạnh. Các bệnh viện tại Nhật Bản không có đủ tủ siêu đông. Nhưng chắc là đã đến lúc ta cần bắt đầu nghĩ về hậu cần vaccine".

Nhật Bản là một trong ba nước ở châu Á Thái Bình Dương ký thỏa thuận mua vaccine Pfizer/BioNTech. Hãng sẽ phân phối 120 triệu liều tiêm cho quốc gia này. Australia đã đặt trước 10 triệu liều và Trung Quốc cũng mua vào 10 triệu liều, dành cho cả Hong Kong và Macau.

PHC Corp, công ty cung cấp tủ đông y tế tại Nhật Bản, cho biết nhu cầu mặt hàng đã tăng 150% trong năm nay. Họ phải tăng thêm sản lượng để đáp ứng kịp thời.

Kwon Jun-wook, quan chức Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), cho biết họ muốn xem việc tiêm chủng ở các nước tiến triển ra sao trước tiên, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng chuỗi cung ứng của nước mình. Hồi tháng 9, chiến dịch chủng ngừa cúm tại Hàn Quốc gặp vấn đề khi các liều tiêm không được bảo quản đúng cách, tiếp xúc với nhiệt độ phòng. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy chỉ 1/4 trong số 2.200 phòng khám tư nhân ở nước này có tủ đông chuẩn y tế. 40% khác sử dụng tủ lạnh thông thường.

Cập nhật: 23/11/2020 Theo Vinmec/Vnexpress
  • 302