Các nhà nghiên cứu ở Hong Kong mới đây chế tạo thử nghiệm sợi len cashmere có thể tự làm sạch nhờ ánh sáng mặt trời, giúp tiết kiệm nước và hóa chất giặt tẩy.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng khi được thương mại hóa, phương pháp này sẽ giúp tiết kiệm nước, điện, hóa chất giặt tẩy vả góp phần bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa: elephantlifestyle.com)
Theo tiến sĩ Walid Daoud, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, lớp phủ đặc biệt bên ngoài vải làm từ anatase titanium dioxide, kết hợp với điều kiện tiếp xúc dưới ánh sáng 24 giờ sẽ sinh ra một phản ứng hóa học và tạo ra dòng điện nhỏ, giúp tẩy các chất bẩn có trên bề mặt.
Quá trình này sẽ làm phân hủy bụi bẩn và các vết bẩn, bao gồm cả vết bẩn từ coffee hay thậm chí là rượu vang đỏ. Phương pháp được phát triển từ năm 2002, tuy nhiên ứng dụng trên vẻ len là một quy trình khó, vì các sợi len mềm dễ bị hỏng từ quá trình oxy hóa.
Sau khi kỹ thuật này được hoàn thiện, Daoud tin rằng tính ứng dụng thương mại của nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Reuters cho hay, việc sử dụng loại vải này đồng thời giúp tiết kiệm điện, nước và hóa chất giặt tẩy, góp phần bảo vệ môi trường.
Len cashmere là chất liệu vải đắt và được sản xuất từ lông cừu Cashmere, loài động vật chỉ sống ở vùng núi của Mông Cổ, Tây Tạng và một số vùng khác của Trung Quốc.