Hiện tại có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nước tồn tại với trữ lượng nhỏ trên sao Hỏa. Điều này đã được Varahamihira - một nhà hiền triết Ấn Độ, tiên đoán từ cách đây hơn 1.500 năm.
Năm 1784, nhà thiên văn học người Đức William Herschel đặt ra giả thuyết cho rằng trên sao Hỏa có thể có người sinh sống, giống như trên hành tinh của chúng ta. Mặc dù ý tưởng về sự tồn tại của người sao Hỏa vẫn chỉ trong phạm vi của khoa học viễn tưởng, nhưng giờ đây, người ta đã thừa nhận rằng trên sao Hỏa có nước.
Varahamihira - một nhà hiền triết đến từ Ấn Độ cổ đại, đã tiên đoán về sự tồn tại của nước trên sao Hỏa cách đây 1.500 năm.
Varahamihira là một trong những nhà khoa học và nhà chiêm tinh vĩ đại nhất vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, người đã có những khám phá đáng chú ý về thiên văn học. Ông được coi là một trong 9 "viên ngọc quý" (Cửu Ngọc) dưới thời đại Vua Vikramaditya.
Varahamihira sinh ra tại vùng Avanti (ngày nay là Malwa). Cha của ông là một người vô cùng tôn thờ thần Mặt trời. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, ông đã được người cha già chỉ dạy những kiến thức hữu ích về thiên văn học, như cách thức các hành tinh chuyển động trong Hệ Mặt trời ra sao.
Varahamihira có rất nhiều tác phẩm chiêm tinh quan trọng.
Khi còn trẻ, Varahamihira đã được gặp nhà thiên văn học, nhà toán học nổi tiếng người Ấn Độ Aryabhata. Chính cuộc gặp gỡ định mệnh này đã truyền cảm hứng cho ông, khiến ông quyết định theo đuổi sự nghiệp trong ngành thiên văn học và chiêm tinh.
Vào thời điểm đó, thành phố Ujjain của Ấn Độ nổi tiếng là trung tâm học tập tri thức. Vì vậy, Varahamihira đã quyết định chuyển đến đây sinh sống và bắt đầu học hỏi từ nhiều học giả. Kiến thức về thiên văn học của ông được cho là đã phát triển đến mức thượng thừa.
Varahamihira có rất nhiều tác phẩm chiêm tinh quan trọng, trong đó Pancha-Siddhantika được xem là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông.
Trong tác phẩm này, Varahamihira đã phác thảo 5 hệ thống kiến thức thiên văn lớn, một trong số đó là Surya-Siddhanta, với mô tả rất chi tiết về hành tinh Đỏ, bao gồm một đề xuất cho rằng bề mặt sao Hỏa có chứa cả nước và sắt.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh được rằng màu đỏ trên bề mặt của sao Hỏa thực ra là do lớp bụi sắt tạo nên và đã bao phủ phần lớn bề mặt của nó.
Varahamihira cũng tính toán đường kính của sao Hỏa là 6070,4 km, chỉ nhỏ hơn 11% so với đường kính được biết hiện tại là 6779 km.
Không chỉ bao gồm những nghiên cứu về thiên văn học, mà cả trong lĩnh vực toán học, ông cũng được ghi nhận là người khám phá ra các công thức lượng giác và thậm chí góp phần cải thiện độ chính xác của các bảng sin đang có hiện nay.
Varahamihira được công nhận là một trong những nhà toán học đầu tiên trên thế giới đã đưa ra dạng thức ban đầu của "Tam giác Pascal".
Nói về những luận thuyết của mình, Varahamihira chỉ khiêm tốn: "Khoa học về chiêm tinh học là một đại dương rộng lớn không dễ để mọi người băng qua. Chuyên luận của tôi chỉ mang đến một chiếc thuyền an toàn". Cho đến nay, nghiên cứu của ông vẫn luôn được công nhận là kiệt tác mọi thời đại.
Phần lớn nước tồn tại trên sao Hỏa ở dạng băng. (Ảnh: Wikipedia)
Hầu hết nước tồn tại trên sao Hỏa đều ở dạng băng. Trong đó một lượng nhỏ nước tồn tại dưới dạng hơi trong khí quyển, và chỉ có thể nhìn thấy trên chỏm băng tại Cực Bắc.
Theo ước tính, sao Hỏa có gần 21 triệu km khối băng trên bề mặt hoặc tương đương. Như vậy, trong quá khứ xa xôi, hành tinh Đỏ có thể là một nơi ẩm ướt, nơi các vi sinh vật có đủ điều kiện để tồn tại và sinh sôi trên bề mặt.
Nhưng hiện nay, môi trường sao Hỏa đang quá khô và đóng băng do nhiệt độ thấp. Thêm vào đó, việc hành tinh này bị bức xạ vũ trụ do không có tầng ôzôn và từ trường khiến khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa là rất nhỏ.
Dẫu vậy, việc phát hiện ra nguồn nước có thể khai thác trên sao Hỏa chắc chắn là một dấu hiệu tích cực cho hoạt động khám phá không gian của con người. Dạng nước này mặc dù khó duy trì sự sống, nhưng có thể được chuyển đổi thành nhiên liệu tên lửa - nguồn bổ sung cần thiết cho các chuyến thám hiểm không gian về sau này.