Sau hơn 3 tháng hoạt động ổn định trên quỹ đạo, PicoDragon đã giảm dần độ cao và bị cháy khi rơi vào tầng khí quyển của trái đất, đánh dấu thành công bước đầu trong lộ trình phát triển vệ tinh ở Việt Nam.
>>> Vệ tinh siêu nhỏ Việt nam chế tạo lần đầu phát tín hiệu từ vũ trụ
"Sự kiện PicoDragon đi vào bầu khí quyển và bốc cháy đúng như thời gian sống thiết kế. Vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do Việt Nam chế tạo đã hoàn thành nhiệm vụ", tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia (VNSC), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết.
Vệ tinh PicoDragon (thứ ba từ phải sang) được đưa vào quỹ đạo và bắt đầu phát tín hiệu về Trái đất. (Ảnh: VNSC)
PicoDragon vào vũ trụ vào tháng 8 năm ngoái nhờ tàu vận tải HTV4 từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima. Giữa tháng 12/2013, vệ tinh được phóng ra từ Trạm vụ trụ quốc tế. Trong hơn ba tháng hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh đã hoạt động tương đối ổn định và liên tục phát tín hiệu quảng bá là bản tin "PicoDragon VietNam" đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Từ thành công này, ông Tuấn cho biết, dự kiến năm 2016, VNSC sẽ phát triển các vệ tinh lớn hơn cỡ nano (khoảng 10kg) và vệ tinh cỡ micro (khoảng 50kg) vào năm 2017, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên có trọng lượng 500kg vào năm 2020.
Pico Dragon có kích thước 10 x 10 x 11,35cm, khối lượng một kg, là sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của VNSC. Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.