Một thế giới huyền bí của những hẻm núi bị lộn ngược nằm sâu bên dưới những lớp băng dày của Châu Nam Cực vừa được phát hiện.
Các nhà nghiên cứu vừa tìm thấy một cấu trúc bên trong các lớp băng dày ở Châu Nam Cực, mà từ đó có thể tính toán lại về độ dày của các tầng băng nơi đây cũng như sự ảnh hưởng của chúng đến mực nước biển dâng.
Noel Gourmelen, một nhà nghiên cứu viễn thám từ Đại học Edinburgh, cho biết hẻm núi này nằm trong khu vực lớp băng Dotson ở thềm băng tây Nam Cực. Sự xuất hiện của vùng không gian này khiến 4 tỷ lít nước ngọt từ lục địa Nam Cực tràn ra ngoài Nam Đại Dương.
Ảnh chụp tầng băng Dotson từ vệ tinh Sentinel-1 của ESA. Các nhà nghiên cứu tìm thấy một hẻm núi rộng bên dưới mặt băng này. (Ảnh: Copernicus Sentinel data (2017), A. Hogg/CPOM).
Theo Cơ quan Hàng không Châu Âu (ESA), sự phân chia mạnh mẽ ở các tầng băng đã diễn ra với quy mô lớn và mức độ tồi tệ. Để tìm hiểu rõ, Gourmelen cùng các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu thu được từ vệ tinh CryoSat và Copernicus Sentinel-1 của ESA để tìm hiểu về thế giới bên dưới thềm băng ở Châu Nam Cực.
Cả hai vệ tinh này đều sử dụng các kỹ thuật radar để đo độ dày và động lực của tầng băng. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu quan sát được và cho thấy ở tầng băng Dotson có một khe nứt rộng 50km, mở rộng về hướng bờ biển Marie Byrd.
“Chúng tôi tìm thấy những sự thay đổi nhỏ về độ cao của nơi này qua dữ liệu của CryoSat và về tốc độ dịch chuyển của băng qua quan sát của vệ tinh Sentinel-1, nhận thấy rằng sự tan chảy không đồng đều, mà tập trung vào một rãnh chạy dài rộng 5km và chạy dài 60km ở bên dưới bề mặt lớp băng”, Gourmelen cho biết.
Hẻm núi bên dưới lớp băng có thể được hình thành bởi dòng nước tương đối ấm của đại dương – khoảng 1 độ C – di chuyển theo chiều kim đồng hồ rồi hướng ngược lên trên, do sự tự quay của hành tinh.
Bề mặt phía trên của tầng băng Dotson, trông có vẻ phẳng mịn nhưng bên dưới là cả không gian trống khổng lồ. (Ảnh: N. Gourmelen).
“Chúng tôi nghĩ rằng mô hình dòng nước ấm đi vào các lớp băng như thế này đã diễn ra được khoảng 25 năm, dựa trên các quan sát từ các vệ tinh cho thấy sự thay đổi ở khu vực này của Châu Nam Cực”, ông cho biết thêm.
Vào thời gian này, dòng nước ấm đã khoét sâu vào bên trong tầng băng ở độ sâu khoảng 200km và có chiều rộng khoảng 15km. Khe rãnh này mở rộng thêm về chiều sâu mỗi năm khoảng 7 mét.
“Khi các rãnh nứt được hình thành ở bên trong, chúng sẽ phát triển rộng thêm thành các khe nứt và lan lên mặt đất, khiến bề mặt bị sụt lún và từ đó sự tan chảy băng ở bề mặt sẽ diễn ra nhanh hơn và tập trung về phía bị lún thấp”, ông cho biết trong bài nghiên cứu.
Sau nghiên cứu này, ông Gourmelen cùng nhóm của mình sẽ mở rộng nghiên cứu sang các phần còn lại của thềm băng phía tây Châu Nam Cực, và xa hơn là những khu vực khác của châu lục này.