Vệ tinh Hằng Nga 1 của Trung Quốc đáp xuống mặt trăng hôm qua, kết thúc sứ mệnh thăm dò hành tinh này trong 16 tháng.
|
Vệ tinh Hằng Nga 1 của Trung Quốc. Ảnh: skyandtelescope.com. |
Cục Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thông báo vệ tinh Hằng Nga 1 đã rơi xuống bề mặt mặt trăng ngày 1/3. Đây là vụ hạ cánh chủ động. Vệ tinh được điều khiển từ xa bởi hai trạm giám sát ở thành phố Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) và Khách Thập (thuộc khu tự trị của dân tộc Duy-ngô-nhĩ).
Trung Quốc đưa Hằng Nga 1 lên không gian cuối tháng 10/2007 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3A tại trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Nhiệm vụ chính của vệ tinh này là chụp ảnh ba chiều bề mặt mặt trăng bằng sóng radar, tìm 14 nguyên tố phổ biến, xác định các đặc tính và độ dày của đất trên mặt trăng và nghiên cứu khoảng không gian cách địa cầu 40.000 km đến 400.000 km.
Với khối lượng 2.350 kg, Hằng Nga 1 là vệ tinh hiện đại nhất do Trung Quốc chế tạo. Nhờ kỹ thuật thay đổi quỹ đạo mà vệ tinh này có thể đáp xuống mặt trăng từ phía sau. Trong 16 tháng hoạt động, Hằng Nga 1 đã bay quanh mặt Trăng vài nghìn lần và gửi về trái đất một lượng dữ liệu khổng lồ.