Vì sao biến thể virus corona ở Brazil gây lo ngại nhất?

  •  
  • 1.064

Trong khi biến thể ở Anh mất khoảng ba tháng mới gây ra đợt bùng phát lớn, chủng P.1 chỉ cần một tháng để khiến cả thành phố Manaus với 2 triệu dân ở Brazil chao đảo.

Gần đây, các biến thể mới của virus corona xuất hiện ngày càng nhiều và có mặt ở phần lớn các nước. Biến thể virus ở Anh dễ lây lan hơn và đã phát tán ở Mỹ. Biến thể ở Nam Phi khiến công ty dược phẩm Moderna và Pfizer phải điều chỉnh lại vaccine Covid-19, để điều chế thêm một loại “chất tăng cường” mới có thể duy trì được hiệu quả của vaccine, theo NPR.

Tại sao biến thể P.1 lại đáng lo ngại nhất?

Tuy nhiên, biến thể mà nhiều nhà khoa học cho là đáng lo ngại nhất hiện nay là P.1 - loại mới xuất hiện ở Manaus, Brazil vào đầu tháng 12/2020.

Giữa tháng 1, biến thể này đã gây ra đợt tái bùng phát lớn ở thành phố Manaus có hai triệu dân.

Ngày 25/1, Mỹ phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng P.1 đầu tiên ở bang Minnesota. Cơ quan y tế của tiểu bang mỗi tuần đều phân tích ngẫu nhiên mẫu gạc của 50 bệnh nhân dương tính và phát hiện ra trường hợp trên.

Bệnh nhân nhiễm P.1 trước đó đã du lịch đến Brazil.

“Nếu hỏi tôi về vấn đề đáng lo ngại nhất cho đến nay, thì đó là sự gia tăng đột biến số ca bệnh ở Manaus, Brazil", chuyên gia virus Jeremy Luban tại Đại học Massachusetts cho biết trước khi P.1 xuất hiện ở Mỹ.

Hai lý do khiến các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về biến thể P.1:

  • Một là họ vẫn chưa giải thích được tại sao P.1 lại bùng lên ở Brazil;
  • Hai là biến thể này có nhiều đột biến nguy hiểm.

Biến thể mới của virus corona ở Brazil đã gây nên một đợt bùng dịch lớn tại thành phố Manaus.
Biến thể mới của virus corona ở Brazil đã gây nên một đợt bùng dịch lớn tại thành phố Manaus. (Ảnh: Getty).

Trước đó, hồi tháng 4/2020, thành phố này cũng hứng chịu một làn sóng lây lan virus khá nặng. Đến 75% dân số Manaus nhiễm bệnh trong mùa xuân năm ngoái.

Một nghiên cứu dự đoán rằng với đợt bùng phát tháng 4 đó, cộng đồng Manaus lẽ ra đã xây dựng được khả năng miễn dịch, và Covid-19 khó có thể lây lan dễ dàng nữa.

Thế nhưng, hơn 9 tháng sau, thành phố lại chứng kiến sự gia tăng số ca bệnh thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Các giả định đang được đặt ra hiện nay là: phải chăng P.1 là biến thể tiến hóa nhằm chống lại các kháng thể mới của con người, khiến bệnh dễ dàng lây lan như trước; hay là bản thân P.1 có khả năng lây lan mạnh hơn biến thể cũ của nó. Hay cả hai giả định trên đều đúng?

Nhà dịch tễ học Bill Hanage tại Đại học Harvard chia sẻ Twitter: “Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác tại sao biến thể này lại lây lan mạnh mẽ ở Brazil. Chưa có lời giải thích nào thật sự thỏa đáng cho vấn đề này”.

12 phân loại biến chung của virus corona

Các giả thuyết và giải pháp

Việc tái nhiễm là mối lo nghiêm trọng đối với các nước vì một số lý do.

Trước hết, giống như biến thể ở Nam Phi, P.1 mang một nhóm đột biến trên bề mặt của virus. Bề mặt này là nơi mà các kháng thể, đặc biệt là kháng thể mạnh, có xu hướng gắn kết nhằm phá vỡ lớp vỏ virus.

“Bề mặt là mục tiêu chính của hệ miễn dịch. Vì vậy, khi chúng tôi nhận ra các biến thể này xuất hiện nhiều trên bề mặt virus, khả năng lớn là chúng có chức năng bảo vệ bề mặt virus khỏi các kháng thể”, chuyên gia virus Penny Moore tại Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm ở Nam Phi cho biết.

Nói cách khác, đột biến này đóng vai trò như một loại áo khoác tàng hình giúp virus trốn tránh hoặc thoát khỏi sự nhận diện của kháng thể.

Để xác minh giả thuyết này, cô Moore và các đồng nghiệp đã lấy mẫu huyết thanh của 44 người bị nhiễm virus chủng cũ, nhằm kiểm tra xem kháng thể có còn khả năng chống lại được biến thể Nam Phi hay không.

Kết quả là độ nhạy cảm của kháng thể trong việc nhận diện virus đã giảm đi đáng kể.

“Quả thực đó là kết quả mà chúng tôi thu được. Trên thực tế, tính nhạy cảm của kháng thể đã giảm đi đáng kể. Chúng tôi nhận thấy rằng kháng thể trong hơn một nửa mẫu huyết thanh hoạt động rất kém hiệu quả khi tiếp xúc với biến thể mới (từ Nam Phi)”, cô nói.

Nhiều biến thể mới của virus corona xuất hiện, yêu cầu các nước phải cải tổ lại vaccine hiện tại.
Nhiều biến thể mới của virus corona xuất hiện, yêu cầu các nước phải cải tổ lại vaccine hiện tại. (Ảnh: Getty).

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thực hiện thí nghiệm tương tự cho P.1, nhưng họ phát hiện ra P.1 có hai đột biến có chức năng làm giảm khả năng gắn kết của kháng thể.

Như vậy, có thể nói virus đã tìm được cách “trốn tránh” vaccine và hệ thống miễn dịch của con người.

Chuyên gia virus Ravi Gupta ví von virus đang chơi trò “mèo vờn chuột” với chúng ta. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cần phải tìm cách cải tiến vaccine nếu muốn tránh nguy cơ tái nhiễm.

“Chúng tôi đã làm điều tương tự trước đây với dịch cúm. Chúng tôi phải sống chung với bệnh cúm và tìm cách đối phó với virus bằng cách tạo ra vaccine mỗi năm. Vì vậy, chúng tôi có thể hình dung được mình cần phải làm gì với virus corona”, ông Gupta nói.

Vị chuyên gia Gupta cũng thông tin thêm rằng quá trình này có thể tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian. “Tôi không nghĩ trong năm 2021 sẽ có giải pháp nào khiến chúng ta có thể nhẹ nhõm thốt ra "Thế là xong". Virus corona sẽ còn gây ra tình trạng trì trệ dài dài”, ông kết luận.

Cập nhật: 29/01/2021 Theo Zing
  • 1.064