Vì sao mì ăn liền có màu vàng sậm?

  •  
  • 1.620

Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về sắc vàng bắt mắt của những sợi mì ăn liền, nhưng không phải cách hiểu nào cũng đúng.

Dưới đây là những phân tích dưới góc nhìn của chuyên gia, giúp bạn hiểu rõ hơn về thành phần của món ăn khá phổ biến này.

Lầm tưởng thường gặp

Vẻ đẹp mắt từ những sợi mì vàng khiến món ăn hấp dẫn hơn. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể yên tâm thưởng thức khi những tin đồn về “màu vàng đáng sợ” này liên tục truyền tai nhau.

Dù từng gắn bó với mì ăn liền suốt nhiều năm sinh viên, gần đây chị Thúy An (quận Tân Phú) vẫn kiên quyết gạt bỏ món ăn này ra khỏi thực đơn của gia đình mình. Chị cho biết: “Nghe nhiều người nói, mì ăn liền có màu vàng đẹp như vậy là vì đã dùng dầu chiên nhiều lần nên tôi cũng hơi lo lắng vì như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe”.

Mì ăn liền tuy hấp dẫn nhưng cũng khiến nhiều người hoài nghi.
Mì ăn liền tuy hấp dẫn nhưng cũng khiến nhiều người hoài nghi.

Chị Kim Phụng (quận Phú Nhuận) thì lại được tiếp cận với một tin đồn khác: “Nghe nói màu vàng mì ăn liền là do dùng nhiều phẩm màu nên tôi rất do dự khi cho chồng con sử dụng”. Tuy nhiên, vì chồng và con trai lớn đều là tín đồ mì ăn liền, chị Phụng vẫn phải miễn cưỡng nấu thường xuyên.

Nhưng thay vì chỉ pha nước sôi như trước, nay chị phải dành thời gian để trụng vắt mì nhiều lần cho… trôi bớt phẩm màu. Những tô mì nay không còn “ăn liền” được nữa lại còn nhạt nhẽo do mất đi một phần hương vị.

“Giải oan” cho sợi mì vàng

Giáo sư Đống Thị Anh Đào - bộ môn hóa thực phẩm ĐH Bách Khoa TP.HCM - lý giải chuyện sử dụng dầu chiên đi chiên lại:Trong sản xuất công nghiệp, mì chỉ lội qua dầu chưa đến 2 phút. Lượng dầu hao hụt trong quá trình chiên sẽ ngay lập tức được tự động bổ sung để sản xuất liên tục. Nếu quá thời gian này, mì sẽ không nở được trong nước sôi”.

Hệ thống chiên hiện đại giúp kiểm soát chất lượng và hàm lượng dầu chiên.

Bên cạnh đó, BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết: “Trái với hình ảnh những chảo dầu sôi sùng sục trên bếp lửa, mì được chiên trong thiết bị chiên (chảo chiên) với công nghệ hiện đại - không cần phải gia nhiệt trực tiếp. Dầu chiên là dầu thực vật và được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước nóng (tương tự chưng cách thủy) bên ngoài, sau đó được dẫn vào chảo chiên bằng đường ống kín”.

Mì ăn liền luôn được dùng dầu mới.
Mì ăn liền luôn được dùng dầu mới.

Bằng việc lắp đặt các đồng hồ đo nhiệt độ và khối lượng dầu sử dụng, nhà sản xuất có thể kiểm soát việc duy trì nhiệt độ dầu bên trong chảo luôn ổn định và tự động bổ sung dầu mới. Song song đó, hàm lượng và chất lượng dầu chiên cũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo luôn tươi mới, an toàn và không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Từ những lý giải trên của các chuyên gia, có thể thấy không có chuyện sử dụng dầu chiên đi chiên lại trong công nghệ sản xuất mì hiện đại. Vì thế tin đồn màu vàng của mì ăn liền do sử dụng dầu cũ là chưa chính xác.

Cập nhật: 19/10/2017 Theo Zing
  • 1.620