Tác động của La Nina là nguyên nhân gây nên những bất thường về khí hậu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó miền bắc Việt Nam phải đối mặt với mùa đông lạnh hơn bình thường.
Bà Đào Thị Thúy, Trường phòng Dự báo Khí hậu, Viện Khí tượng Thủy văn, lý giải một phần nguyên nhân dẫn đến đợt lạnh sâu và kéo dài hiện nay.
Thưa bà, miền Bắc xuất hiện đợt lạnh bất thường là vì đâu?
Năm vừa qua có hiện tượng kép bất thường giữa El Nino và La Nina xảy ra. Đó là đầu năm có El Nino, cuối năm xuất hiện La Nina. Biểu hiện của La Nina ngày càng thấy rõ, gây hiện tượng lạnh bất thường.
Băng tuyết xuất hiện trên Sa Pa
La Nina là pha lạnh trong hiện tượng Enso (hiện tượng kép, thể hiện dao động tuần hoàn của khí quyển đại dương), bao gồm hai hiện tượng khí quyển là El Nino với nhiệt độ mặt nước biển tăng hơn so với trung bình nhiều năm và La Nina với nhiệt độ mặt nước biển giảm hơn so với trung bình nhiều năm.
La Nina có tác động giảm nhiệt độ ở vùng đông và trung tâm Thái Bình Dương. Việt Nam ở tây bắc Thái Bình Dương, nhưng cũng bị ảnh hưởng. Do đó, đợt lạnh này là do tác động của La Nina tới thời tiết khí hậu Việt Nam. La Nina có tác động đến những tháng chính đông - tháng 12, tháng 1 và tháng 2, kéo nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường.
Bên cạnh đó, Việt Nam lạnh do khí hậu hậu có tính ẩm. Trong khi các nước là lạnh khô, nên rét không cắt da cắt thịt như ở Việt Nam. Ở nước chúng ta chỉ cần nhiệt độ nhỏ hơn 3 độ là có tuyết; ở các nước khác, thì phải lạnh âm 4hoặc 5 độ. Vì thế ở các nước như châu Âu chẳng hạn họ vẫn không cảm thấy lạnh khắc nghiệt như ở Việt Nam.
Theo các nhà khoa học trên thế giới, có thể năm 2011 là năm lạnh bất thường. Cái lạnh này là cái dị thường của khí hậu trên cả thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam.
Những năm bình thường khác vẫn có hiện tượng El Nino và La Nina đan xen, vậy sao không cảm giác lạnh như bây giờ?
Đúng vậy, Ở những năm trước, có hiện tượng El Nino và La Nina nối tiếp nhau, có thể kéo dài hơn. Còn trong năm 2010, cả hai hiện tượng trên đều diễn ra trong một năm.
Thông thường, trong các chu kỳ của El Nino và La Nina, khi một trong hai hiện tượng này kết thúc, thì tiếp theo đó là năm trung gian (tức là năm có khí hậu bình thường). Mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 2-7 năm. Chẳng hạn sau El Nino năm 2007, thì mùa đông năm sau đó rất lạnh do ảnh hưởng của La Nina.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, cứ nói đến El Nino là nóng, còn La Nina là lạnh. Bà nghĩ sao?
Điều này chỉ đúng với Việt Nam. Tức là El Nino gắn với thời tiết nắng nóng, còn La Nina gắn với thời tiết lạnh. Còn ở các nước khác thì không hẳn thế, vì tác động của hiện tượng thời tiết hoàn tác khác nhau ở các khu vực khác nhau.
Ảnh hưởng của hiện tượng La Nina tới Việt Nam có thể còn kéo dài đến khi nào?
Thời tiết lạnh nhất chỉ rơi vào tháng 1/2011. Các nhà khoa học dự báo hiện tượng La Nina kéo dài đến hết mùa xuân năm nay. Nếu tác động trễ, kéo dài, có thể mùa hè sẽ tương đối mát mẻ. Dịp Tết Nguyên đán năm nay tôi khẳng định là không thể nóng, chỉ có thể ấm hơn hiện tại, thậm chí có thể xuất hiện mưa xuân, gây cảm giác lạnh.
Chưa thể đưa ra kết luận, mùa đông 2011 là thời kỳ có mùa đông lạnh nhất trong lịch sử hay không. Vì biết đâu đó, sẽ vẫn còn có thời điểm nhiệt độ thấp hơn hiện tại. Tính đến nay thời điểm lạnh nhất được ghi nhận ở Việt Nam là năm 1974 (âm 6 độ C).