Vì sao nhiều trường hợp vừa âm tính nhưng lại tái dương tính với SARS- CoV-2?

  •  
  • 557

Nhiều trường hợp sau khi mắc Covid-19 thì cho rằng đã bị Covid-19 và tiêm đủ 3 mũi vaccine sẽ có kháng thể cực mạnh và sẽ trở thành “F0 bất tử”. Tuy nhiên, không ít những trường hợp đã mắc Covid-19 được điều trị khỏi nhưng lại tiếp tục tái nhiễm lần 2 chỉ trong vòng 1- 2 tháng khỏi bệnh.

“F0 không bất tử”

Vào giữa tháng 11/2021, anh N.V.T (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị mắc Covid-19 với các biểu hiện sốt, ho, khó thở, bị mất mùi vị và đến ngày thứ 13 anh mới có kết quả âm tính trở lại. Sau khi khỏi bệnh, theo khuyến cáo của ngành y tế, anh N.V.T đã đi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3. Vừa tiêm mũi 3 phòng Covid-19 và vừa là F0 khỏi bệnh, điều này khiến anh càng tự tin hơn khi tiếp xúc với các F0 khác, đặc biệt trong gia đình anh cũng có người mắc Covid-19. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng khỏi bệnh, anh bất ngờ khi test nhanh có kết quả hai vạch rõ ràng.


Chị M. P có kết quả dương tính với SARS- CoV-2 sau gần 6 tháng khỏi bệnh.

“Tôi cứ nghĩ đã tiêm vaccine đủ 3 mũi và đã mắc Covid-19 rồi nên sẽ không bị lại, ai ngờ lại tái nhiễm. Vì vậy, khi người thân trong gia định mắc Covid-19 tôi khá chủ quan, chỉ đeo khẩu trang khi tiếp xúc mà không để ý sát khuẩn hay súc họng như những lần trước. Sau 3 ngày ở chung, cổ họng hơi ngứa, bị sổ mũi, ớn lạnh, tôi thử test nhanh thì kết quả dương tính với SARS- CoV-2. Tuy nhiên, lần này tôi “lướt” qua nhẹ nhàng hơn so với bị đợt lần đầu”, anh N. V. T nói.

Còn bạn P. T. L. (20 tuổi, thành phố Thủ Đức) cho biết, T.L bị mắc Covid-19 lần đầu tiên vào tháng 6/2021, lúc này chưa được tiêm vaccine và phải điều trị trong khu cách ly, đến 14 ngày sau mới có kết quả âm tính. “So với lần trước thì lần này em bị nhẹ hơn, chỉ 3 ngày sau là âm tính trở lại và không bị mất mùi vị, hay khó thở như trước. Đợt này chỉ bị sốt một ngày, ho nhẹ và bị sổ mũi. Nói chung giống như bị cảm cúm thôi”, T. L chia sẻ.

Trong khi đó, chị N. T. H (quận Gò Vấp) cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng chị bị mắc Covid-19 tới 2 lần. Nếu như lần đầu các biểu hiện bệnh là bị sốt, tiêu chảy, Spo2 tụt, khó thở, mất mùi vị và tới ngày thứ 10 mới có kết quả âm tính trở lại thì lần thứ 2 này chị chỉ bị đau nhức cơ, đau họng nhưng cũng phải 9 ngày sau mới âm tính trở lại.


Mức độ nặng nhẹ và thời gian tái nhiễm tùy vào hệ thống miễn dịch của cơ thể và tùy thuộc vào chủng bị mắc.

“Ban đầu tôi cũng không nghĩ là mình bị mắc Covid-19 lần 2, bởi khi cô con gái bị F0 tôi cũng test nhanh nhưng vẫn âm tính. Tuy nhiên sau đó, tôi đi test PCR để vào viện chăm sóc cậu con trai mắc Covid-19 thì lại ra kết quả dương tính với SASR-CoV2. Trải qua hai lần bị nhiễm, tôi nghĩ không thể xem Covid-19 là cúm thông thường được. Lần đầu bị sau khi khỏi bệnh, tôi thấy mình hay bị hụt hơi khi thở, còn lần thứ 2 thì bị mất ngủ, đau đầu và còn bị dị ứng nổi đầy trên da”, chị N.T.H chia sẻ.

Thời gian tái nhiễm phụ thuộc vào khả năng miễn dịch cơ thể

Bác sĩ Giang Minh Nhật, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị tái mắc Covid-19, trong đó có cả nhân viên y tế. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân bị nhẹ và tất cả các triệu chứng chỉ trong 5 ngày là hết. Người tái nhiễm chủ yếu là mắc biến chủng Omicron. Qua nghiên cứu,  Omicron gây bệnh đường hô hấp thường có biểu hiện bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng và nhẹ hơn khi nhiễm chủng Delta.


Các bác sĩ khuyến cáo người mắc Covid-19 khỏi bệnh không nên chủ quan và cần tuân thủ các quy định của ngành y tế.

“Cũng có những trường hợp người lớn tuổi, có bệnh nền bị Covid-19 lần 1 có những di chứng chưa phát thì đợt này, sau khi bị Omicron có thể phát ra và đôi khi có diễn tiến nhiều và nặng hơn”, bác sĩ Giang Minh Nhật cho biết thêm.

PGS. TS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội Hô Hấp TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, người từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm. Mức độ nặng nhẹ, thời gian tái nhiễm tùy vào hệ thống miễn dịch của cơ thể và tùy thuộc vào chủng bị mắc. Theo đó, người bị mắc Covid-19 chủng Omicron đa phần nhẹ hơn chủng Detla. Tuy nhiên, đối với những người có bệnh nền, người lớn tuổi, đang điều trị ung thư, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch khi tái nhiễm mức độ nặng cũng không kém so với bị nhiễm trước đó.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc tái mắc Covid-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vaccine phòng Covid-19.

Theo WHO ghi nhận từ thực tế, hiện vẫn có khoảng 2% số người từng mắc Covid-19 tái nhiễm nhiều hơn 1 lần. Thời gian tái nhiễm kể từ lần nhiễm đầu tiên cũng ngắn hơn, chỉ khoảng 2-3 tháng sau khi bệnh nhân được công bố hết bệnh, trong khi nguyên tắc là người đã nhiễm sẽ không tái nhiễm trong vòng 6-9 tháng kể từ khi khỏi bệnh.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Phần lớn, những người từng mắc Covid-19 sẽ không tái nhiễm trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ sinh kháng thể của mỗi cá nhân từng dương tính với SARS-CoV-2 là khác nhau và ở một số trường hợp, mức độ kháng thể được sinh ra sau khi nhiễm bệnh không đủ để bảo vệ cơ thể khỏi tái nhiễm. Hoặc kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không phù hợp để bảo vệ cơ thể trước chủng mới nên người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới.

Từ các trường hợp F0 tái nhiễm, các bác sĩ khuyến cáo người mắc Covid-19 khỏi bệnh không nên chủ quan và cần tuân thủ các quy định của ngành y tế như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ cao và tiêm vaccine phòng Covid-19.

Cập nhật: 08/03/2022 Theo Báo Tin Tức
  • 557