Vì sao sinh vật biển hay nuốt nhầm rác nhựa?

  •  
  • 995

Các nhà khoa học cho biết không phải ngẫu nhiên mà sinh vật biển, đặc biệt là rùa, lại ăn rác thải nhựa...

Trên trang Economist, TS Joseph Pfaller - Đại học Florida (Mỹ) và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết túi ni lông trôi nổi trên đại dương cũng tựa như sứa biển, không chỉ giống về hình dạng mà còn mùi hương.

Rùa biển dễ ăn các loại rác thải nhựa vì "bẫy" khứu giác
Rùa biển dễ ăn các loại rác thải nhựa vì "bẫy" khứu giác - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Ông lý giải, khi được đưa vào đại dương, theo thời gian rác thải nhựa sẽ có mùi như các loại thức ăn.

Quá trình này diễn ra khi các loại vi khuẩn, tảo tác động vào rác thải nhựa, chẳng bao lâu làm nhựa mất dần những mùi hóa chất vốn có, chuyển sang mùi tự nhiên hơn.

Đây được xem là "bẫy" khứu giác, làm các động vật đại dương, đặc biệt là rùa biển, dễ vô tình nuốt phải. Cá voi, chim biển… cũng là những loài thường xuyên ăn nhầm các mảnh vụn rác thải nhựa.

"Rác thải nhựa lại thu hút các sinh vật từ rất xa, không chỉ bởi hình dạng mà còn do mùi vị rất giống thức ăn trong tự nhiên", TS Pfaller nói.

Các nhà khoa học đưa ra kết luận trên sau khi kiểm nghiệm trên 15 con rùa biển nuôi nhốt. Họ đã cho những con rùa này ngửi mùi thức ăn của chúng và mùi rác thải nhựa đại dương, đồng thời ghi lại phản ứng của chúng. Kết quả, chúng xem rác thải như thức ăn.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín Curent Biology. Phát hiện này phần nào giúp lý giải vì sao nhiều động vật dễ bị tổn thương thậm chí tử vong vì rác thải nhựa.

"Mọi ống hút nhựa, túi nhựa ngoài đại dương theo thời gian đều sẽ có mùi đặc biệt thu hút các loài động vật đến ăn. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều cái chết của rùa biển", theo TS Pfaller.

Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Exeter vào năm 2018 cũng chỉ ra rằng hơn 100 con rùa biển tham gia khảo sát đều chứa ít nhiều rác thải nhựa bên trong cơ thể.

Nghiên cứu cũng dự đoán đến 99% chim biển sẽ ăn chất thải nhựa vào năm 2050.

Tại khu vực Đông Nam Á, một số động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng đã chết với lượng nhựa lớn trong dạ dày. Tháng 6/2018, một con cá voi được tìm thấy ở bãi biển Songkhla (Thái Lan) trong tình trạng bị chết nghẹn vì hàng chục mẩu rác nhựa nặng 8 kg trong bụng.

Xác một con chim chứa đầy đồ nhựa trong cơ thể.
Xác một con chim chứa đầy đồ nhựa trong cơ thể.

Tại Việt Nam, với hơn 3.260km đường bờ biển (chưa kể bờ các đảo) trải dài theo hướng Bắc –Nam, trung bình cứ 100km2 đất liền có 1 km bờ biển. Dọc bờ biển còn có 114 cửa sông, trung bình 20km có một cửa sông và hơn 50 vịnh, đầm phá. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, song cũng luôn tiềm ẩn ô nhiễm rác thải.

Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy.

Điều này, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước gây ô nhiễm nhựa đại dương hàng đầu trên thế giới. Tổ chức này đã đề xuất Việt Nam cần giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa thông qua sự kết hợp giữa các công cụ chính sách và cơ chế tài khóa.

“Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này”.

Cập nhật: 17/08/2023 Theo Tuổi Trẻ/kinhtemoitruong
  • 995