Vì sao sư tử trèo cây lại rất vụng về?

  •  
  • 714

Các nhà khoa học cho rằng sư tử ở khắp mọi nơi đều có thể trèo lên cành cây nhưng cấu tạo cơ thể chúng không thích hợp với leo trèo.

Khi tới vườn quốc gia Nữ hoàng Elizabeth ở Uganda hoặc vườn quốc gia Hồ Manyara ở Tanzania, cảnh tượng thường gặp là những con sư tử đang nằm nghỉ trên nhánh cây. Ở nhiều nơi khác, sư tử hiếm khi trèo cây và có vẻ khá vụng về khi làm vậy. Theo Craig Packer, quản lý Dự án sư tử Serengeti trong 35 năm, chúng có thể trèo lên cao nhưng không biết cách trèo xuống.

Đàn sư tử nằm nghỉ trên cây keo ở vườn quốc gia Serengeti ở phía bắc Tanzania.
Đàn sư tử nằm nghỉ trên cây keo ở vườn quốc gia Serengeti ở phía bắc Tanzania. (Ảnh: Daniel Rosengren)

Các loài mèo lớn ăn thịt khác trèo cây mọi lúc. Về mặt giải phẫu, báo hoa mai có cấu tạo cơ thể phù hợp hơn để leo trèo, Luke Hunter, giám đốc điều hành chương trình mèo lớn của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã tại New York, cho biết. Chúng có cơ thể nhẹ hơn và xương bả vai lớn, dẹt và lõm hơn sư tử. Trái lại, sư tử có nửa thân trước cực khỏe và phần lưng cứng chắc để vật con mồi nặng ký như trâu rừng xuống đất. Sức mạnh của chúng đi kèm theo cái giá là sự nhanh nhẹn.

Theo Packer, việc trèo cây có thể rất nguy hiểm, đặc biệt đối với sư tử đực nặng nề. Khi trèo xuống, trọng lượng cơ thể có thể khiến sư tử bị trật khớp. Phần lớn sư tử cũng ít có nhu cầu trèo cây. Chúng là loài vật có tính xã hội cao, sống theo đàn và có thể bảo vệ thức ăn trước các động vật săn mồi khác. Báo hoa mai sống đơn độc phải cất giữ con mồi ở nơi an toàn. Nếu không thể kéo con mồi lên cây, chúng sẽ mất hơn 1/3 thức ăn vào miệng linh cẩu. Vậy tại sao sư tử ở một số nơi trèo cây nếu chúng không có cấu tạo cơ thể phù hợp và ít có nhu cầu? Nguyên nhân liên quan nhiều hơn tới hành vi học hỏi và điều kiện đặc thù ở địa phương.

Tại Zimbabwe, có rất ít ghi chép về sư tử trèo cây, theo Moreangels Mbizah, nhà sinh vật học bảo tồn làm việc với sư tử ở Khu bảo tồn Kavango-Zambezi. Lý do duy nhất chúng trèo cây là cần tránh thứ gì đó trên mặt đất.

Ví dụ, sau thời kỳ mưa đặc biệt nhiều vào năm 1963, nạn ruồi cắn Stomoxys khiến sư tử phải trốn trên cây và lợn bưới ẩn náu trong hang để tránh những con côn trùng gây ra vết thương hở và nhiễm trùng gây tử vong. Trong nghiên cứu về sư tử, George B. Schaller suy đoán hành vi học hỏi này có thể là tiền đề cho tập tính trèo cây của sư tử ở hồ Manyara.

Sư tử cũng có thể trèo cây để tránh nóng và khảo sát con mồi trên mặt đất, theo Joshua Mabonga, điều phối viên nghiên cứu động vật ăn thịt trong chương trình của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã. Nhưng ở vườn quốc gia Nữ hoàng Elizabeth tại Uganda, sư tử sống theo nhiều đàn nhỏ hơn và chia sẻ công viên với những đàn trâu rừng và voi lớn. Khi đối mặt với cuộc chạy loạn của trâu rừng có thể gây nguy hiểm, sư tử trốn lên cành cây cao. Do đó, Mabonga cho rằng nơi an toàn nhất đối với sư tử là trên cây. "Sư tử trèo cây để trốn động vật gây hại, bất kể chúng to như con voi hay nhỏ như con ruồi", Packer cũng chung suy luận.

Để chạy trốn, sư tử cần tìm loại cây phù hợp. Sư tử thường trèo lên cây sung dâu hoặc cây keo gai nhọn có nhiều nhánh chìa ngang và không cách quá xa mặt đất. "Ở vườn quốc gia Nữ hoàng Elizabeth, cả gia đình sư tử gồm con trưởng thành và con non đều trèo cây. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, hành vi này trở thành một thói quen", Hunter nói.

Cập nhật: 13/03/2022 Theo VNE
  • 714