Các chuyên gia trong lĩnh vực tế bào gốc vừa có một cuộc họp kỹ thuật tại ĐH Khoa học Tư nhiên TP.HCM, để bàn về một đề tài đặc biệt: Dùng tế bào gốc tái tạo mô da cho một bệnh nhân ngụ tại TP.HCM.
Ngày 28/8, ThS. Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học (CNSH) về Động vật ở ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã cho biết như trên. Các chuyên gia sẽ tiến hành chiết tách các tế bào gốc từ niêm mạc miệng, da, máu và tuỷ của chính bệnh nhân này để biệt hoá và giúp tế bào gốc tăng sinh.
Nghiên cứu tế bào gốc tại phòng Thí nghiêm Công nghệ Sinh học về Động vật ở ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. (Ảnh: H.Cát) |
Hơn 30 các chuyên gia, bác sĩ từ Hà Nội và TP.HCM, cùng với đại diện của các cơ quan quản lý Trung ương đã tham gia cuộc họp kỹ thuật này. Tuy nhiên, thông tin chi tiết hơn về bệnh nhân đặc biệt này và quá trình điều trị vẫn chưa được tiết lộ.
Cũng trong ngày 28/8, TS.BS Lê Văn Đông, Học viện Quân Y, thành viên trong nhóm nghiên cứu "Xây dựng ngân hàng tế bào gốc quốc gia và trung tâm trị liệu tế bào gốc Việt Nam", cho biết, đề tài đã bắt dầu giai đoạn thử nghiệm trị liệu tế bào gốc trên mô hình động vật tại Viện bỏng Quốc gia.
Cụ thể, trước mắt nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng nguồn tế bào gốc ổn định do Singapore cung cấp, biệt hoá thành những tế bào khác nhau như tế bào cơ tim, mỡ, da, xương... Và ứng dụng đầu tiên sẽ điều trị bỏng hay vết thương do tiểu đường trên thỏ, và heo.
Sau đó, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu trên mô hình động vật bằng các dây rốn thu thập được từ ngân hàng MekoStem.
Cuối tháng 9, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành ký hợp đồng mua công nghệ phân lập, bảo quản, biệt hoá và cấy ghép tế bào gốc từ Singapore. Và ngân hàng tế bào gốc cuống rốn khu vực miền Nam gọi là MekoStem do Công ty Cổ phần hoá Dược phẩm Mekophar chủ trì sẽ hoạt động vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.
Tế bào gốc cuống rốn của em bé sẽ được phân lập, và bảo quản. (Ảnh: H.Cát) |
Giai đoạn điều trị trên động vật, nhóm dự kiến sẽ kéo dài từ 6 - 12 tháng. Nếu ghép tế bào gốc từ dây cuống rốn em bé cho các động vật dị loại không bị thải loại, điều đó chứng tỏ ghép cho cùng loài, từ tế bào cuống rốn của người này sang cho người khác, sẽ đem lại kết quả khả quan.
Sau khi có những bằng chứng khoa học thoả đáng, kết quả nghiên cứu sẽ được trình cho Hội đồng Khoa học của Bộ Khoa học - Công nghệ, tiếp đến là Hội đồng Y đức do ngành Y tế quyết định.
Theo TS. BS Lê Văn Đông, việc xem xét của Hội đồng Y đức chú trọng chủ yếu ở khía cạnh an toàn, ghép tế bào gốc từ màng lót dây rốn hay máu cuống rốn được lưu trữ trong ngân hàng tế bào gốc không gây ra tai biến khi trị liệu cho bệnh nhân.
H.Cát