Liệu khoa học công nghệ ngày nay đã bắt kịp với phát minh giả tưởng của những năm 1963?
Iron Man, hay Tony Stark là một trong những nhân vật có nhiều người hâm mộ nhất thế giới siêu anh hùng của Marvel. Anh là một trong những nhân vật hiếm hoi thực sự có khả năng đối chọi với những thế lực siêu phàm chỉ nhờ vào khoa học công nghệ và tài chế tạo những bộ giáp siêu việt của mình.
Cũng vì vậy mà tính khả thi của bộ giáp này là một trong những đề tài được bàn luận sôi nổi hàng chục năm nay, đặc biệt là gần đây khi những đột phá trong khoa học và công nghệ liên tục xuất hiện.
Trước hết ta cần "soi" qua thật kỹ từng chức năng nổi bật và gây tranh cãi hiện diện trong bộ giáp mới nhất của Iron Man trong "Avengers: Thời đại của Ultron", bộ giáp Mark XLV:
Hiện nay những bộ giáp Exoskeleton đang được phát triển hoàn toàn có khả năng nâng những đồ vật nặng đến 90kg.
Khả năng này bao gồm những cú đấm đủ khuất phục "gã không lồ xanh Hulk" cho đến khả năng nâng lên những chiếc máy bay đang gặp nạn trên không. Hiện nay những bộ giáp Exoskeleton đang được phát triển hoàn toàn có khả năng nâng những đồ vật nặng đến 90kg một cách dễ dàng và hỗ trợ người trong bộ giáp với những công việc việc đòi hỏi sự linh hoạt hơn như được thử nghiệm với việc chống đẩy mà không tốn đến một giọt mồ hôi.
Nhưng để có thể so sánh với khả năng của bộ Mark XLV, các nhà khoa học có lẽ cần nghiên cứu trong nhiều năm nữa.
Bộ Exoskeleton HULC "tình cờ" mang tên giống "gã khổng lồ xanh" Hulk.
Dù động cơ phản lực là một trong những công nghệ đã được áp dụng hiện nay, khi mà con người đã thành công thực hiện những chuyến bay không người lái đến tận sao Hỏa, "Repulsor Beams" lại là một công nghệ giả tưởng và công nghệ ngoài đời chưa thể mô phỏng cơ chế tương tự.
Nhưng nếu sử dụng động cơ phản lực thông thường, một thách thức lớn cần phải kể đến ở đây là nhiên liệu dự trữ cần thiết để duy trì khả năng bay lâu dài với tốc độ nhanh hơn tốc độ của âm thanh của Iron Man. Và đặc biệt trong quá trình đạt được tốc độ âm thanh, sự tuần hoàn máu trong cơ thể người điều khiển sẽ bị đẩy xuống chân, khi đó lượng máu trong não sẽ bị giới hạn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Tương tự Mark I trong Iron Man phần 1, chiếc Jetpack này sử dụng khí nén và chỉ có hướng bay dọc thẳng đứng.
Và mặc dù khả năng bay sử dụng động phản lực thành công, một công nghệ riêng biệt cần được phát triển để mô phỏng chức năng bắn ra chùm tia lửa kinh hồn từ bàn tay người sắt. Dù còn kém xa về mức độ phá hủy và gần như không hề tác động đến mục tiêu của mình một lực đẩy nào, thiết bị la-de tự chế sử dụng 1000 kW đã được phát minh ra, phần nào chứng minh được tính khả thi của việc chế tạo ra thiết bị này.
Mark XLV được làm từ Vibranium (cũng là chất liệu làm nên chiếc khiên của "Đội trưởng Mỹ"), một chất liệu chỉ tồn tại trong thế giới Marvel và là một trong những vật liệu bền nhất bên cạnh Adamantium (cấu tạo nên xương của Wolverine) và Uru.
Tuy không có đặc tính hóa giải động năng như Vibranium, Carbyne, một trong những chất liệu ngoài đời mới được khám phá ra có độ cứng cao hơn cả kim cương và đã đoạt ngôi chất liệu nhân tạo khỏe nhất hành tinh từ Graphene. Tuy chất liệu này chưa có cách nào để được sản xuất với lượng lớn, trong tương lai gần Carbyne chắc chắn sẽ được áp dụng trong các ngành chế tạo.
Carbyne, vật liệu cứng nhất hành tinh.
Ngoài ra một trong những chướng ngại lớn nhất để hiện thực hóa giấc mơ bộ áo giáp là đảm bảo sự toàn vẹn của người bên trong áo giáp. Trong phim khi chịu những đòn thực sự phải gọi là "trời giáng" từ vị thần tóc vàng Thor hay những cú đấm "chấn động" của "gã khổng lồ xanh" Hulk, làm cho siêu anh hùng "phàm trần" của chúng ta tung bay, nếu thiếu những công nghệ hỗ trợ bí hiểm trong bộ giáp, khi mở bộ giáp ra, bên trong chắc chắn không thể là cơ thể lành lặn của một con người còn sống được.
Dù Mark không có khả năng tự tìm đến chủ và lắp đặt một bộ giáp hoàn chỉnh trên người siêu anh hùng, đây vẫn là một trong những cải tiến gây ấn tượng nhất từ các phiên bản áo giáp trước đây của Iron Man. Một điều đáng chú ý ở đây là những mảnh giáp tách biệt này có khả năng bay và điều hướng tương tự những con drone tự động hiện nay và như vậy khả năng hiện thực hóa chức năng này là hoàn toàn khả thi.
F.R.I.D.A.Y là một phần mềm AI được Tony Stark sử dụng.
F.R.I.D.A.Y là một phần mềm AI được Tony Stark sử dụng sau khi J.A.R.V.I.S hoàn toàn chuyển ý thức nhân tạo của mình vào cơ thể Vision với sự hỗ trợ của một trong những "viên đá vĩnh cửu". Và tương tự J.A.R.V.I.S, F.R.I.D.A.Y có lẽ cũng sở hữu trí tuệ nhân tạo đủ để phát triển thành một thực thể có khả năng suy nghĩ như nhân vật Vision.
Với thành công của trí tuệ nhân tạo thuộc Google trong trận cờ vây gây xôn xao gần đây hay những tiến bộ vượt bậc của AI trong việc hiểu tiếng nói của con người và đặc biệt là sự chú ý và đầu tư phát triển của các nhà phát triển công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Google, Microsoft, một trí tuệ nhân tạo với khả năng tương tự J.A.R.V.I.S gần như chắc chắn sẽ được tạo ra trong tương lai không xa.
Thiết bị năng lượng phát sáng màu xanh thường nằm ngay chính giữa phần ngực của Iron Man có lẽ là chìa khóa để vượt qua rất nhiều những hạn chế về công nghệ kể trên. Arc Reactor ban đầu được Howard Stark, cha đẻ thiên tài của Tony Stark, phát minh ra nhằm thay thế nguồn năng lượng sản xuất ra từ những lò phản ứng hạt nhân nguy hiểm, độc hại. Từ phát minh này, Tony Stark đã tạo ra chiếc Arc Reactor bé hơn nằm gọn trong bộ giáp làm nguồn năng lượng cho tất cả những thiết bị tối tân của mình.
Công nghệ tương tự đang trong giai đoạn phát triển và được gọi là công nghệ "hợp nhân Fusion".
Nếu thiết bị này thực sự tồn tại và có khả năng cung cấp một lượng năng lượng khổng lồ như trong phim, động cơ phản lực kể trên có lẽ có thể sử dụng những chất liệu nhẹ hơn rất nhiều mà vẫn đảm bào được sức đẩy của động cơ. Khi đó những thứ vũ khí của Iron Man cũng có khả năng được hiện thực hóa dễ dàng hơn nhiều.
Và tin mừng ở đây, là một công nghệ tương tự đang trong giai đoạn phát triển và được gọi là công nghệ "hợp nhân Fusion" và có cách hoạt động ngược lại so với công nghệ "phân hạch hạt nhân Fission" (như các lò phản ứng hạt nhân hiện nay sử dụng).
Công nghệ này cung cấp một lượng năng lượng sạch lớn hơn, rẻ hơn vì nhiên liệu sử dụng dồi dào và đặc biệt là an toàn hơn rất nhiều. Các lò phản ứng dạng này chưa tồn tại nhưng trong tương lai gần việc sử dụng nguồn năng lượng mới này chắc chắn sẽ được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên để có thể chế tạo được một lò phản ứng hạt nhân nhỏ gọn như trong phim, các nhà khoa học có lẽ còn cần phải nghiên cứu trong nhiều năm nữa.
Ark Reactor là chìa khóa quan trọng nhất trong việc chế tạo thành công những thế hệ bộ giáp "khủng".
Tuy vậy, xem lại Iron Man phần một, ta có thể tự an ủi với sự thật rằng chính siêu thiên tài Tony Stark cũng đã từng có khởi đầu "khiêm tốn hơn" với bộ giáp Mark I của mình. Chỉ sau khi được người cha quá cố của mình giúp sức, Tony Stark mới chế tạo ra được thiết bị Ark Reactor, là chìa khóa quan trọng nhất trong việc chế tạo thành công những thế hệ bộ giáp "khủng" hơn của mình.
Và khi xét về tiêu chí của chiếc Mark I, công nghệ hiện nay thực sự gần như đã bắt kịp, một ví dụ điển hình có thể kể đến là bộ Raytheon XOS 2, đặc biệt những mẫu thiết kế dự định sử dụng cho những phiên bản tương lai phần nào có những điểm tương đồng với Mark I của Iron Man.
Công nghệ hiện nay thực sự gần như đã bắt kịp, một ví dụ điển hình có thể kể đến là bộ Raytheon XOS 2.