Đó là cả một "quần đảo" gồm ít nhất 6 nhóm vết đen hợp thành trên ngôi sao mẹ của Trái đất.
Theo Live Science, "vùng hắc ám" này trải rộng trên một vùng có bề ngang gấp 15 lần đường kính Trái đất, đang tạo ra các cơn bão Mặt trời (còn gọi là bão địa từ) đáng báo động. Trái đất sẽ sớm rơi vào vùng nguy hiểm.
Đây là một trong những khu vực vết đen Mặt trời lớn nhất và đông đúc nhất, được tạo thành bởi ít nhất 6 cụm vết đen khác nhau.
Những cụm vết đen Mặt trời lớn đang dần "xoay nòng" về phía địa cầu, được chụp bởi tàu vũ trụ của NASA - (Ảnh: SDO/NASA).
Vết đen Mặt trời vốn là những vùng hỗn loạn từ tính, tạo nên các "họng súng" bắn ra xung quanh những quả pháo năng lượng cao, thậm chí là những quả cầu plasma khổng lồ gọi là vụ phóng khối lượng đăng quang (CME).
Các họng súng này đang liên tục hợp lực bắn vào không gian. "Hỏa lực" tổng hợp của cả cụm mạnh đến nỗi làm rung chuyển bề mặt ngôi sao mẹ của chúng ta.
Nhóm vết đen đầu tiên mang tên AR3490, được phát hiện "trên vai" Mặt trời vào ngày 18-11, chếch về phía Đông Bắc. Tiếp theo, một nhóm vết đen khác AR3491 tiếp tục hiện ra.
Trong quá trình "xoay nòng" để chuẩn bị nhắm thẳng vào chúng ta, nhóm vết đen này đã sinh ra thêm 4 nhóm vết đen mới.
Theo SpaceWeatherLive.com, "vùng hắc ám" này đã tạo ra ít nhất 16 ngọn lửa Mặt trời loại C và 3 cái loại M trong 4 ngày qua, đồng thời khả năng bùng phát ngọn lửa cấp X rất cao.
Điều này cũng có thể dẫn tới một hình thức bắn phá mạnh hơn là những quả cầu lửa CME mang đầy hạt tích điện, vốn có thể gây bão địa từ mạnh cho Trái đất.
Con người hầu như không cảm thấy được bão địa từ, nhưng các thiết bị của chúng ta thì có. Lưới điện, hệ thống vô tuyến, định vị... có khả năng bị gián đoạn ở một số nơi. Điều này xảy ra do sự hỗn loạn từ trường khi các quả pháo năng lượng hay cầu lửa va vào các đường sức từ.
Trong khi đó, cực quang có thể lan rộng trên bầu trời và trở thành cảnh tượng đẹp mắt.