Mảnh ngọc mắt mèo chứa xác ve rỗng mở ra những khả năng mới cho công cuộc tìm kiếm dấu vết của sự sống cổ đại.
Các nhà khoa học tìm thấy xác rỗng của ve sầu trong mảnh ngọc mắt mèo ở thành hệ địa chất Genteng, Tây Java, Indonesia, IFL Science hôm 7/10 đưa tin. Thành hệ địa chất này tồn tại từ đầu thế Thượng Tân (5 triệu-10 triệu năm trước). Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Scientific Reports.
Xác rỗng của ve sầu kẹt trong ngọc mắt mèo. (Ảnh: Scientific Reports).
Ngọc mắt mèo là loại đá quý hình thành ở nhiệt độ tương đối thấp trong khe đá, thường được tìm thấy trong quặng sắt limonite, sa thạch, đá rhyolite, đá vôi bùn, đá basalt. Dựa vào các điều kiện khi hình thành mà ngọc mắt mèo có thể trong suốt, hơi mờ hoặc mờ đục với nhiều màu sắc khác nhau. Màu hiếm nhất là ngọc mắt mèo đen. Trong khi đó, màu trắng, xám và xanh lá được cho là phổ biến nhất.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho mảnh ngọc mắt mèo tìm thấy ở Tây Java là Beverly. Họ phát hiện một lớp zeolite, loại khoáng chất giàu silica, bao bọc xác ve sầu. Kết quả phân tích chỉ ra, zeolite kết tinh trên xác ve khi nó bị chôn vùi trong đất và tiếp xúc với nước chứa silica. Điều này giúp xác ve giữ nguyên cấu trúc trước khi chất lỏng xung quanh cứng lại, cuối cùng tạo nên ngọc mắt mèo.
"Đây là lần đầu tiên tôi thấy hình thức bảo tồn như vậy", Frances Westall, nhà địa chất và sinh học vũ trụ tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, chia sẻ. Quá trình này có điểm tương tự với những trường hợp côn trùng mắc kẹt trong hổ phách, nhưng hiếm hơn.
Westall cho rằng phát hiện mới mở ra nhiều cơ hội hơn cho việc tìm kiếm bằng chứng của sự sống cổ đại. Trái đất từng là môi trường núi lửa, cung cấp những điều kiện lý tưởng cho ngọc mắt mèo hình thành. Trên sao Hỏa thời xưa cũng diễn ra rất nhiều hoạt động núi lửa. Như vậy, những nhiệm vụ săn tìm dấu vết sự sống ngoài hành tinh trong tương lai có thể bao gồm tìm kiếm ngọc mắt mèo trên hành tinh đỏ.