Xử vụ Công ty eGLOBOL trộm cước viễn thông hơn 9 tỷ

  •  
  • 287

Giúp sức cho Giám đốc Công ty TNHH eGLOBOL trộm cước viễn thông quốc tế hơn 9,1 tỷ đồng, Đổng Đức Việt Thương đã bị xử 5 năm tù.

Ngày 23/11, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Đổng Đức Việt Thương (sinh năm 1979) mức án 5 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”. Là người phụ trách phòng công nghệ thông tin của Công ty TNHH eGLOBOL, Thương đã giúp sức cho Giám đốc Công ty là Angelique Bửu Thái (quốc tịch Mỹ, hiện đang bị truy nã) thực hiện hành vi trộm cước viễn thông quốc tế bằng cách lắp đặt hệ thống thiết bị, nối 12 đường dây điện thoại cố định với đường truyền Internet tốc độ cao ADSL và thiết bị chuyên dùng Voiceip Gateway.

Thông qua hệ thống được lắp đặt tại phòng công nghệ thông tin này, các cuộc gọi điện thoại quốc tế vào Việt Nam sẽ chuyển thành cuộc gọi trong nước. Từ tháng 3/2004 đến tháng 5/2005, bị cáo đã giúp sức cho Angelique Bửu Thái trộm cước viễn thông quốc tế hơn 9,1 tỷ đồng.

Hành vi trộm cước viễn thông ngày càng tinh vi.

Khác với những vụ trộm cước viễn thông đã bị cơ quan chức năng bóc gỡ trong thời gian qua, Angelique Bửu Thái núp bóng dưới danh nghĩa kiều bào về quê hương đầu tư làm ăn thành lập nên Công ty TNHH eGLOBAL Việt Nam để sử dụng công nghệ trộm cắp tài sản Nhà nước.

Công ty TNHH eGLOBAL Việt Nam hoạt động theo giấy phép đầu tư do UBND TP.HCM cấp, với vốn đầu tư đăng ký là 40.000USD (100% vốn nước ngoài) do bà Angelique Bửu Thái, kiều bào Mỹ làm Giám đốc. Mục tiêu và phạm vi kinh doanh của công ty được ghi rõ trong giấy phép: gia công, xuất khẩu phần mềm theo yêu cầu của khách hàng; cung cấp giải pháp tích hợp hệ thống phần mềm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng.

Để tổ chức hoạt động, Công ty eGLOBAL Việt Nam đã ký kết đường truyền kết nối trực tiếp Internet với Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung; hợp đồng cung cấp và sử dụng 19 máy điện thoại cố định với Công ty Điện thoại Tây TP và hợp đồng dịch vụ truy cập Internet qua mạng Mega VNN với Công ty Tin học Bưu điện - Netsoft - Bưu điện TP.HCM.

Tuy nhiên, thời gian đầu đi vào hoạt động, công ty đã không lọt qua cặp mắt của cơ quan chức năng vì những dấu hiệu bất thường. Lập tức, Sở Bưu chính - Viễn thông phối hợp với các ngành liên quan được lệnh thanh tra đột xuất việc thực hiện quy định về viễn thông và công nghệ thông tin của Công ty eGLOBAL Việt Nam tại trụ sở số 10 Khu Công viên Phần mềm Quang Trung, quận 12, TP.HCM.

Qua kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện lưu lượng (các gói tin) từ nước ngoài được chuyển về VN thông qua mạng Internet công cộng vào mạng nội bộ, sau đó kết nối qua thiết bị chuyên dùng để chuyển đến 4 thiết bị cổng IP thuộc hệ thống thiết bị viễn thông của công ty. Tại cổng IP này sẽ thực hiện chuyển đổi đến các máy điện thoại lẻ của công ty (lắp đặt sẵn 19 máy luân phiên thay đổi theo thời gian và lưu lượng).

Các máy điện thoại lẻ sẽ tự động quay số đến các máy điện thoại thuộc mạng viễn thông công cộng theo số kết nối từ nước ngoài gọi về. Bằng phương thức trên, công ty đã thực hiện việc chuyển các cuộc gọi điện thoại quốc tế chiều đến VN thành các cuộc gọi trong nước với mục đích không qua cổng kiểm soát cước quốc tế của Bưu điện VN, ước thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,1 tỷ đồng.

Điều đáng nói là Giám đốc Công ty - bà Angelique Bửu Thái, không có mặt tại công ty để trực tiếp điều hành mà ngồi ở Mỹ để điều hành mọi hoạt động, giải quyết công việc qua e-mail, điện thoại, fax hoặc ủy quyền. Khi có việc cần thiết phải ký giấy tờ thì bà Bửu Thái nhận, ký và gửi về nước bằng đường bưu chính chuyển phát nhanh và người của công ty chỉ làm mỗi việc đóng dấu. Do vậy, khi cơ quan chức năng phát hiện việc làm ăn phi pháp của Công ty eGLOBAL Việt Nam thì chỉ tóm được người giúp sức là Đổng Đức Việt Thương còn kẻ chủ mưu thì vẫn "bình an" ở trời Tây.

Gia Khang

Theo VietNamNet
  • 287