Xuất hiện bệnh lao siêu kháng thuốc

  •  
  • 980

Năm 2006, trên thế giới đã xuất hiện một bệnh lao mới - bệnh lao siêu kháng thuốc (XDR). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao đang gia tăng trở lại với hình thức mới, nguy hiểm hơn do đại dịch HIV/AIDS.

Khảo sát của Chương trình Phòng chống lao quốc gia, hằng năm cả nước có thêm khoảng 145.000 bệnh nhân lao, trong đó có 65.000 bệnh nhân ho khạc ra vi khuẩn. Mỗi ngày có thêm 400 người mắc và 55 người chết vì bệnh lao. Riêng tại TP.HCM, bác sĩ Hoàng Thị Quý, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch, cho biết số bệnh nhân lao đã tăng gần gấp đôi từ 8.000 ca lên 15.000 ca trong vòng 10 năm qua. Trung bình, mỗi năm số lượng bệnh nhân lao tăng 2%, chủ yếu tập trung ở nhóm từ 25-54 tuổi.

Đe dọa cộng đồng

Bác sĩ Hoàng Thị Quý cho rằng kháng thuốc là do việc điều trị không đúng. Thông thường quy trình điều trị lao phải kéo dài ít nhất 6 tháng, có những trường hợp điều trị duy trì phải từ 12-18 tháng. Thế nhưng bệnh nhân thường bỏ điều trị sau một thời gian ngắn dùng thuốc khi thấy đã giảm triệu chứng. Khi bệnh phát trở lại, việc điều trị sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí không hiệu quả do vi khuẩn lao đã lờn với thuốc cũ.

Một bệnh nhân bị lao kháng thuốc có nhiễm HIV đang được điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM)

Điều nguy hiểm là có những bệnh nhân mới bị lao lần đầu, chưa điều trị lao bao giờ nhưng đã kháng thuốc đặc hiệu. Còn ở bệnh nhân kháng thuốc thứ phát, việc kháng thuốc xảy ra sau khi điều trị bằng thuốc lao trên 1 tháng. Và ở những bệnh nhân lao đa kháng thuốc, chi phí chữa bệnh rất tốn kém. Đây chính là nguyên nhân làm cho số người mắc lao mạn tính ngày càng gia tăng nhưng hiện chưa có giải pháp điều trị cho những bệnh nhân này.

Về phía thầy thuốc, việc điều trị cho bệnh nhân không đúng phác đồ, không cung cấp thuốc đầy đủ hoặc cung cấp thuốc kém chất lượng, điều trị không có giám sát... cũng gây ra tình trạng kháng thuốc. Theo bác sĩ Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia, bệnh lao kháng thuốc xuất hiện trước hết như là hậu quả của việc thiếu hụt tài chính và hệ thống y tế cũng như chương trình phòng chống lao còn yếu kém. Bệnh lao kháng thuốc xuất hiện gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong cộng đồng có tỉ lệ nhiễm HIV cao.

Điều trị tốn kém, vượt khả năng người bệnh

Để chống lại đại dịch lao kháng thuốc này, tại TP.HCM, từ năm 2007-2010 Chương trình Phòng chống lao TP.HCM tiến hành những khảo sát liên quan giữa kháng thuốc với chủng loại vi trùng lao và áp dụng điều trị lao kháng thuốc theo đúng tiêu chuẩn của WHO quy định.

Để hạn chế sự gia tăng của vi trùng lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc, bác sĩ Quý khuyến cáo người bệnh nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của thầy thuốc. Nguyên tắc chung trong điều trị lao đa kháng thuốc là bệnh nhân phải uống thuốc đủ liều, đều đặn và đủ thời gian, không được bỏ điều trị. Thời gian điều trị chuẩn kéo dài từ 18-24 tháng, trong đó bắt buộc phải được điều trị một loại thuốc tiêm tối thiểu trong vòng 6 tháng, sử dụng thuốc 6-7 ngày trong tuần với sự giám sát suốt quá trình điều trị và theo dõi xét nghiệm hằng tháng.

Riêng đối với những người mắc bệnh lao kèm với HIV phải được điều trị lao kháng thuốc trước 4 tháng, sau đó được điều trị tiếp theo bằng thuốc ARV. Để điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân lao siêu kháng thuốc, chỉ có thể áp dụng một phác đồ điều trị đặc biệt tốn kém, vượt quá khả năng của hầu hết bệnh nhân và chương trình Phòng chống lao trong cộng đồng.

40% bệnh nhân lao tại TP.HCM kháng thuốc

Ước tính hiện nay trên toàn thế giới có 1/3 dân số bị nhiễm lao và cứ 4 giây trôi qua thì có một người trở thành bệnh nhân lao. Trong đó có hơn 50 triệu người nhiễm vi trùng lao kháng thuốc và hơn 400.000 là lao đa kháng. Hiện có khoảng 32,5% số bệnh nhân lao bị kháng thuốc, trong đó những người kháng nhiều loại thuốc chiếm tỉ lệ cao. TP.HCM là địa phương có tỉ lệ kháng thuốc cao nhất (gần 40%). Theo điều tra của WHO, tỉ lệ kháng thuốc lao ở TPHCM cao gấp 3 lần so với Mỹ, 5 lần so với Anh và gấp 4 lần tỉ lệ trung bình của thế giới (9,9%). 

NHẤT PHƯƠNG

Theo Người lao động, Tuổi trẻ
  • 980