Y tế cơ sở phải đủ sức đối phó khi có dịch

  •  
  • 70

* Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm việc với Hà Nội

* Bộ trưởng Mai Ái Trực đến Quảng Nam

Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) thăm dây chuyền giết mổ khép kín của Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ

Sáng 9-11, làm việc với các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm TP.HCM. Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định: công tác tuyên truyền có ý nghĩa quyết định, TP phải tiếp tục làm tốt công tác này thông qua nhiều kênh. Phó thủ tướng khẳng định: “Tốn bao nhiêu cũng làm, văcxin phải mua đủ tiêm. Còn về Tamiflu thì bằng mọi biện pháp (mua hoặc sản xuất) phải có đủ cho dân”.

Phó thủ tướng cũng đề nghị nếu xảy ra dịch cúm số lượng lớn, TP phải thực hiện phương châm “ba tại chỗ”: cơ sở vật chất tại chỗ, người tại chỗ, phương tiện tại chỗ. Do vậy, ông yêu cầu Bộ Y tế cần tăng cường giường cách ly, máy thở cho các trạm y tế phường, xã (kế hoạch hành động trước đây chỉ trang bị đến tuyến bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện).

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phải chú trọng tập huấn cho các y - bác sĩ tuyến dưới biết cách đối phó khi dịch cúm xảy ra. Riêng về thuốc, Phó thủ tướng khẳng định: “Tốn bao nhiêu cũng làm, văcxin phải mua đủ tiêm. Còn về Tamiflu thì bằng mọi biện pháp (mua hoặc sản xuất) phải có đủ cho dân”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, nếu có dịch xảy ra thì VN sẽ có 10% dân số mắc bệnh, trong đó 1% dân số bị tử vong. Bộ trưởng lo lắng nếu có đại dịch, số giường bệnh của nước ta chỉ đáp ứng khoảng 1/4 con số dự báo này.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - cho biết sau 15-11 TP sẽ chỉ còn ba cơ sở giết mổ gia cầm lớn, có qui trình khép kín hoạt động, đó là Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, Công ty An Phú Sinh, Công ty An Nhơn thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Sắp tới, việc vận chuyển gia cầm từ các tỉnh vào những lò giết mổ ở TP cũng phải đi theo tuyến qui định, có biển báo. Riêng 51 cơ sở giết mổ có phép còn lại TP đang tính mức hỗ trợ giúp họ chuyển đổi ngành nghề.

* Sáng 9-11, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người tại Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các y, bác sĩ ở tất cả các bệnh viện công tác giám sát, điều trị khi dịch cúm xảy ra. Đặc biệt, 90 cơ sở y tế tư nhân trong thành phố cũng được tham gia đợt tập huấn qui mô này.

Theo ông Lê Quý Đôn, phó chủ tịch UBND thành phố, Hà Nội sẽ chi khoảng 50 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ các hộ chăn nuôi phải tiêu hủy đàn gia cầm trong mùa dịch năm nay.

* Chiều 9-11, sau khi kiểm tra tình hình dịch cúm gia cầm tại huyện Thăng Bình và công tác chuẩn bị điều trị bệnh cúm tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực đã có cuộc làm việc với các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam.


Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát tại ba huyện: Tăng Bình, Núi Thành và Quế Sơn. Hiện đã có hơn 1.500 con gia cầm cùng hàng trăm con chim chết chưa rõ lý do.

YẾN TRINH - N.HÀ - H.NHÂN

Theo Tuổi trẻ Online
  • 70