Câu chuyện về người phụ nữ bị khoa học lãng quên và ước mơ đuổi theo Mặt trời

  •  
  • 2.503

Cái tên Annie Maunder vẫn còn tồn tại trong giới khoa học, nhưng nó đã bị lạc khỏi ký ức người đời lúc nào không hay.

Bạn biết Mari Curie? Hẳn rồi, bà là người đã tìm ra 2 chất phóng xạ cực mạnh. Nhưng nếu như bảo bạn liệt kê thêm một nữ khoa học gia nữa, liệu bạn có làm được không?

Thực tế trong lịch sử, có rất nhiều người phụ nữ lỗi lạc và vĩ đại, với những đóng góp tuyệt vời cho nhân loại, nhưng lại bị người đời bỏ qua. Và thậm chí, có những người được xem là thiên tài, nhưng chỉ vì sinh nhầm thời mà không thể tỏa sáng.

Annie Maunder là một người phụ nữ như thế.

Annie Maunder – người phụ nữ tiên phong về thiên văn học Mặt trời.
Annie Maunder – người phụ nữ tiên phong về thiên văn học Mặt trời.

Tuổi trẻ và đam mê khoa học bất chấp khó khăn

Annie Scott Dill Russell sinh năm 1868 tại Strabane (Bắc Ireland). Với trí thông minh trời phú của mình, bà dễ dàng nhận được học bổng tại các trường đại học danh giá - như Girton hay Cambridge - và trở thành một trong những nhà nữ khoa học đầu tiên làm việc tại Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich.

"Bà ấy là một trong những người mà thời đó chúng tôi gọi là "trợ lý máy tính", được thuê vào khoảng đầu những năm 1890 bởi nhà thiên văn học Hoàng gia William Christer" – Sue Bowler, biên tập của tờ Royal Astronomical giải thích. Công việc này được trả công rẻ mạt chỉ với mức lương 4 bảng Anh một tháng.

Đài Thiên văn Hoàng Gia Greenwich.
Đài Thiên văn Hoàng Gia Greenwich.

Vào năm 1892, Annie Russel và đồng nghiệp Alice Everett tại Greenwich được đưa ra xem xét để trở thành một thành viên của Hội Thiên văn học Hoàng gia (ROG). Tuy nhiên, họ đã bị từ chối trong cuộc bỏ phiếu kín của hội đồng.

Từ đó, 2 người phụ nữ đã cùng nhau tham gia Tổ chức Thiên văn học nghiệp dư Anh (BAA). Nhưng rồi Alice bỏ cuộc vì mưu sinh, chỉ còn Annie vẫn bám trụ lại với BAA.

"Bà ấy rất cứng rắn và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp khoa học của mình" – Tiến sĩ Bowler cho biết.

"Bà ấy nhận được tấm bằng cử nhân của Cambridge trong bối cảnh người ta phản đối việc cấp bằng đại học cho phụ nữ. Bà đủ quyết tâm để hoàn thành điều đó, và để kiếm việc làm với danh nghĩa là một nhà khoa học – một điều cực kì hiếm vào thời kỳ thiên văn học vẫn được coi là một đặc quyền của đàn ông".

Và giấc mơ đuổi theo Mặt trời

Annie Russell kết hôn với người đồng nghiệp Edward Walter Maunder vào năm 1895.

Annie ngồi cùng chồng trên một chiếc thuyền.
Annie ngồi cùng chồng trên một chiếc thuyền.

Luật lệ khắt khe thời bấy giờ và những định kiến về phụ nữ có chồng buộc Annie phải bỏ việc. Tuy nhiên, bà đã trở lại với tư cách là một tình nguyện viên trong suốt Thế chiến thứ nhất, và cuối cùng được tiếp tục làm việc vào những năm cuối thập niên 1920.

Cùng với Walter, Annie đã chụp những tấm hình của Mặt trời và đặt ra nền móng của khoa học hiện đại về cơ chế vận động của nó.

Bức ảnh gia đình cho thấy họ đang chuẩn bị quan sát Nhật thực.
Bức ảnh gia đình cho thấy họ đang chuẩn bị quan sát Nhật thực.

"Họ phải chụp những tấm hình của Mặt trời vào mỗi ngày quang mây chỉ để ghi lại vị trí của những vệt đen và vẽ ra những sơ đồ" – theo Bowler – "Tuy vậy, với kiến thức của một nhà toán học, Annie đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu chúng. Bà không chỉ đơn giản viết mọi thứ ra giấy, bà không phải chỉ là một cô trợ lý của Walter".

Annie Maunder đã thực hiện nhiều cuộc hành trình để "đuổi theo Mặt trời". Bà muốn tận mắt chứng kiến hiện tượng Nhật thực tại Lapland, India, Algiers, Mauritius và Labrador.

Bà thậm chí đã thiết kế ra một chiếc camera cho riêng mình, chỉ để chụp Mặt trời, bao gồm cả bức ảnh chụp quầng hào quang bình minh đầu tiên trên thế giới.

Bức ảnh được chụp vào ngày 18/5/1901 bởi Annie Maunder tại Mautitius.
Bức ảnh được chụp vào ngày 18/5/1901 bởi Annie Maunder tại Mautitius.

Người phụ nữ tài năng và những công trình bị giấu kín

Theo luật lệ xã hội thời bấy giờ, Annie chỉ được công bố các bức ảnh của mình dưới tên chồng, và bà không được quyền phát biểu tại các hội nghị khoa học.

Vào năm 1908, gia đình Maunders xuất bản cuốn sách "The Heavens and Their Story" với kiến thức nghiêng về khoa học thường thức. Tuy được đưa ra dưới tên cả 2 vợ chồng, nhưng chính Annie mới là người bỏ ra phần lớn công sức để viết nên nó.

Cuốn sách đứng tên 2 vợ chồng nhà Maunder, nhưng thực sự chỉ Annie là tác giả.
Cuốn sách đứng tên 2 vợ chồng nhà Maunder, nhưng thực sự chỉ Annie là tác giả.

Mãi đến năm 1916, Annie mới được trở thành một thành viên của Hội Hoàng gia, sau 24 năm kể từ lần đầu bà được đề xuất. Bà cũng là người đã đưa thiên văn học đến với công chúng, với tư cách là phó chủ tịch của BAA.

Nhưng rồi Annie Maunder mất đi vào năm 1947, để lại những di sản bị vùi lấp bởi sự phát triển không thể kìm hãm của xã hội. Nhưng người nhớ đến bà chỉ có giới khoa học chuyên sâu, trong khi công chúng thậm chí chẳng ai biết Annie Maunder là ai.

Tuy vậy, ngày nay Annie và những công trình của bà được tưởng nhớ bằng huân chương Annie Maunder, tôn vinh những đóng góp của cộng đồng trong khoa học.

Huân chương Annie Maunder.
Huân chương Annie Maunder.

Thuở sinh thời, bà đã không được nhận đúng những gì bà xứng đáng, nhưng cống hiến của bà đối với nền thiên văn học thế giới là một bằng chứng không thể chối cãi về một nhà nữ khoa học tài năng vào các năm cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.

Cập nhật: 08/03/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.503