Chiều cao của phi hành gia tăng 5cm sau 1 năm sống trên vũ trụ

  •  
  • 4.775

Phi hành gia Scott Kelly đã trở về Trái Đất sau gần 1 năm sống trên vũ trụ và người ta nhận thấy rằng chiều cao của ông đã tăng lên 5cm. Nguyên nhân là do ở dưới Trái Đất, các dĩa cột sống bị trọng lực nén lại còn trong môi trường không trọng lực, lực nén cũng không còn nên các đĩa này giãn ra, cột sống kéo dài ra và cuối cùng, chiều cao tăng lên.

Hồi năm ngoái, Scott Kelly đã được NASA đưa lên trạm không gian quốc tế ISS và bắt đầu sứ mạng kéo dài 1 năm trên đó. Toàn bộ các thông tin về tình hình sức khỏe thể chất, tinh thần của ông luôn được theo dõi và ghi nhận lại nhằm nghiên cứu về tác động của chuyến du hành dài ngày ngoài vũ trụ. Cùng khoảng thời gian này, một người em song sinh của ông là Mark ở dưới Trái Đất cũng được liên tục theo dõi nhằm làm cơ sở đối chiếu.

Phi hành gia Scott Kelly đã cao lên 5cm sau một thời gian sống ngoài vũ trụ.
Phi hành gia Scott Kelly đã cao lên 5cm sau một thời gian sống ngoài vũ trụ.

Bây giờ, Scott Kelly đã được đưa về Trái Đất với tình hình sức khỏe được báo cáo là ổn định. Bằng cách so sánh đặc điểm của cặp song sinh này, các nhà nghiên cứu có thể xác định được toàn bộ những tác động của việc du hành vũ trụ đối với con người, đặc biệt là những thay đổi về mặt di truyền. Kết quả so sánh sơ bộ cho thấy so với người anh em song sinh sống dưới Trái Đất, Kelly đã cao hơn 5cm.

Tuy nhiên, không may là, ảnh hưởng tăng chiều cao với phi hành gia Kelly chỉ là tạm thời. Một khi ông quay trở về Trái đất một khoảng thời gian đủ lâu (điều này vẫn cần được xác định, nhưng các nhà khoa học phỏng đoán nó có thể kéo dài một vài tháng), trọng lực trên hành tinh chúng ta sẽ kéo ông trở về chiều cao bình thường như trước đây).

Năm 2013, NASA đã bắt đầu xúc tiến một nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân khiến các nhà du hành vũ trụ cao hơn, thông qua việc tập trung vào xương sống. Hiện một số nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang tiếp diễn.

Sau khi trở về Trái đất, ông Kelly sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm tìm ra những thay đổi khác, có khả năng xảy ra với cơ thể ông trong thời gian lưu trú ngoài vũ trụ, kể cả các biến đổi liên quan đến thị lực, xương và bộ não. Các nhà nghiên cứu cũng muốn tìm hiểu xem, ông Kelly thực tế có trẻ hơn so với người anh em song sinh Mark Kelly 0,01 giây như thuyết tương đối của nhà bác học Albert Einstein hay không.

Biết rõ những gì xảy ra với cơ thể người trong môi trường vi trọng lực suốt thời gian dài sẽ giúp các chuyên ra hiểu họ cần phải chuẩn bị ra sao cho các nhà du hành vũ trụ tham gia các sứ mệnh dài hơn, chẳng hạn như một chuyến thám hiểm đến sao Hỏa, trong tương lai.

Khi trở về Trái đất, Ông Scott Kelly cao hơn 5cm trong khi chiều cao của người anh em song sinh Mark Kelly vẫn giữ nguyên.
Khi trở về Trái đất, Ông Scott Kelly cao hơn 5cm trong khi chiều cao của người anh em song sinh Mark Kelly vẫn giữ nguyên. (Ảnh: Word Press).

Trong khi những kết quả so sánh cụ thể sẽ được công bố trong thời gian tới, chúng ta hãy điểm qua những tác động của du hành không gian tới sức khỏe con người do Viện sinh học không gian Mỹ và NASA đưa ra trước đây:

  • Xương giòn: Các phi hành gia không dùng chân đi lại mà trôi bồng bềnh trong môi trường không trọng lực, do đó khả năng chịu tải của xương chân, hông và cột sống ở phi hành gia sẽ giảm xuống đáng kể. Vì vậy, xương sẽ trở nên suy yếu, đồng thời cơ thể phóng thích ra nhiều can xi hơn, dẫn tới tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Yếu cơ: Do sống dài ngày trên không gian, chân và lưng không được vận động nhiều nên cơ bắp bắt đầu suy yếu và teo đi, dẫn tới nguy cơ chấn thương, tai nạn cũng tăng lên.
  • Sưng mặt: Trong không gian, máu ở phần trên cơ thể chảy nhiều hơn, phần dưới chảy ít hơn. Do đó, các phi hành gia thường có khuôn mặt bị sưng lên trong khi chu vi chân sẽ giảm xuống.
  • Tim nhỏ hơn: trên vũ trụ, tim làm việc nhẹ nhàng hơn và nếu kéo dài, kích thước tim sẽ giảm xuống. Mặt khác, người ta còn cho rằng các tia phóng xạ vũ trụ có thể ảnh hưởng tới các tế bào màng tim, niêm mạc động mạch, tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Cơ chế giữ thăng bằng: Tai trong vốn rất nhạy cảm với trọng lực nên khi ở trên không gian quá lâu, một số chức năng sẽ không còn hoạt động đúng. Vào thời gian đầu trên vũ trụ, phi hành gia có thể bị mất phương hướng, mất cảm giác điều hướng và chóng mặt, buồn nôn. Khi trở lại Trái Đất, họ phải làm quen lại với trọng lực và khi đó, việc đi đứng sẽ gặp khó khăn.
  • Tăng nguy cơ ung thư do có thể phơi nhiễm phóng xạ trong vũ trụ.
  • Rối loạn nhịp sinh học bởi trên không gian không có khái niệm 24 giờ 1 ngày.
  • Cao lên: Nếu như ở dưới Trái Đất, các đĩa cột sống bị nén lại do tác động của trọng lực thì khi lên vũ trụ, lực nén không còn nên các đĩa có xu hướng giãn ra. Kết quả là cột sống kéo dài và phi hành gia sẽ cao lên.
Cập nhật: 06/03/2016 Theo Tinh Tế
  • 4.775