Chống mù lòa bằng thuốc nhỏ mắt thay vì tiêm thuốc

  •  
  • 1.140

Việc điều trị các bệnh có thể gây mù lòa bằng cách tiêm thuốc trực tiếp vào nhãn cầu (vốn tốn kém và gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân) sắp sửa được thay thế bằng phương pháp nhỏ thuốc. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Trường Đại học Lon Don (UCL, Anh), sau khi họ thử nghiệm thành công trên động vật.

Chống mù lòa bằng thuốc nhỏ mắt thay vì tiêm thuốc
Ảnh: panorama.com.ve

Bước tiến mới này hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho hàng triệu bệnh nhân đang điều trị bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) - căn bệnh ảnh hưởng 20% người trên 75 tuổi và dễ gây mù lòa. Nguyên do là trước đó, phân tử của các loại thuốc như Avastin và Lucentis (loại thuốc đặc trị AMD) bị cho là quá lớn để có thể thấm qua võng mạc khi điều trị bằng thuốc nhỏ mắt.

Nhưng nay, nhóm nghiên cứu đã chứng minh, họ có thể dùng các hạt nano chứa Avastin để đưa một lượng thuốc nhất định vào phía sau cầu mắt ở loài thỏ và chuột. Cụ thể là Avastin được vận chuyển xuyên qua thành của giác mạc vào phía sau của mắt, nơi thuốc giúp chặn đứng tình trạng mạch máu bị rò rỉ, đồng thời hình thành các mạch máu mới.

Do đó, về mặt lý thuyết, nhóm nghiên cứu cho rằng chúng ta cũng có thể ứng dụng kỹ thuật này cho các loại thuốc khác như Lucentis (có cấu trúc phân tử nhỏ hơn Avastin).

Hiện tại, công ty chuyển giao công nghệ của UCL – UCL Business – đã được cấp bằng sáng chế kỹ thuật nhỏ thuốc này và nhóm nghiên cứu cho biết họ đang tìm đối tác thương mại để sớm tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người.

Theo Báo Cần Thơ, Medical News Today
  • 1.140